Trang chủ / Hướng dẫn Kỹ thuật và chuyển giao Công nghệ / Kỹ thuật trồng và phòng trừ sâu bệnh cho cây ớt cay chỉ thiên

Kỹ thuật trồng và phòng trừ sâu bệnh cho cây ớt cay chỉ thiên


Ớt chỉ thiên là giống ớt rất cay. Được những người nghiền ớt ưa chuộng. Nhìn chung tất cả các loại ớt cay trong đó có ớt chỉ thiên đều dễ trồng, không kén đất, có thể trồng trên đất bãi, đất đồi, đất ruộng. Nhưng trồng ớt tốt nhất là trên đất bãi hàng năm có ngập phù sa hoặc đất trong đồng có độ màu mỡ khá, thoát nước, giãi nắng.


1. Thời vụ gieo:

- Gieo tháng 11-12, trồng tháng 1-2. Vụ hè tháng 6-7 trồng tháng 8-9.

- Ươm cây giống: Hạt ngâm nước 2 đêm, đem bọc vào vải trộn với mùn, ủ 3-4 ngày cho hạt mọc mầm. Gieo vãi hạt trên luống, phủ một lớp đất bột mỏng, phủ một lớp trấu hay rơm rạ, tưới nước giữ ẩm. Sau khi gieo 8-10 ngày thì cây mọc. Nếu gặp rét thì che phiên hoặc phủ nilon chống rét cho cây con. Cây 25-30 ngày tuổi có thể đánh đi trồng.

- Luống rộng 1-1,2m, cao 20-25cm, rãnh luống 30- 40cm. Bổ hốc hàng cách hàng 60-70 cm. Cây cách cây 50 cm. Bón phân cho 1ha như sau: Phân chuồng 30 tấn+ 368 kg N+ 368kg P2O5+ 184kg K2O. Nếu đất chua thì bón vôi 500-1000kg/ha. Phân chuồng + phân lân+ 1 phần phân kali để bón lót. Phân đạm + 1 phần Kali dùng để bón thúc.

2. Giống:

Hiện nay, giống ớt được trồng nhiều với năng suất cao, cây sinh trưởng phát triển mạnh, chống chịu với sự thay đổi thời tiết bất thuận và sau bệnh tốt là các giống ớt cay chỉ thiên của công ty TNHH Hạt giống & Nông sản Năm Sao với tên gọi NS 507, NS 555, NS 508

3. Chuẩn bị đất:

Cày xới phơi đất kỹ, lên luống cao 25- 30 cm, rộng 1- 1,2 m. Bón lót: 50- 100kg vôi và 1 tấn phân chuồng, 50kg super lân, 3kg Kali, 2kg Calcium nitrat, 10-15kg phân NPK(13-13-13) cho 1.000m2. Sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, giảm hao hụt phân bón, nước tưới.

4. Gieo trồng:

Xử lý hạt ớt bằng nước ấm 3 sôi 2 lạnh (530C) trong 30 phút, hong khô dưới ánh nắng mặt trời, gieo hạt vào bầu đã được xử lý thuốc để ngăn ngừa mầm bệnh, sâu hại tấn công. Khi cây có từ 4-5 lá thật (30-35 ngày sau gieo), thì chuyển cây con ra trồng. Có thể trồng theo khoảng cách: 50 x 60 cm hoặc 60 x 70 cm.

5. Chăm sóc:

- Tưới nước: Mùa mưa cần đảm bảo thoát nước tốt, mùa nắng phải tưới nước đầy đủ. Tưới rãnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt.

- Tỉa nhánh: Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng. Nên tỉa cành lúc nắng ráo.

- Làm giàn: Giàn được làm bằng cây hay dây ni lông. Giàn giữ cho cây đứng vững, dễ thu trái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế trái bị sâu bệnh do đỗ ngã. Mỗi hàng ớt cắm 2 trụ cây lớn ở 2 đầu, dùng dây căng dọc theo hàng ớt nối với 2 trụ cây, khi cây ớt cao tới đâu căng dây tới đó để giữ cây đứng thẳng.

- Bón phân: Phân nên chia làm 4 lần bón:

Lần 1: 20 - 25 ngày sau khi trồng: 4kg Urê + 3kg Kali + 10kg NPK (16-16-8) + 2kg Calcium nitrat.

Lần 2: Khi ớt đã đậu trái đều: 6kg Urê + 5kg Kali + 10 - 15kg NPK (16-16-8) + 2kg Calcium nitrat.

Lần 3: Khi bắt đầu thu trái: 6kg Urê + 5kg Kali, 10 - 15kg NPK (16-16-8) + 3kg Calcium nitrat.

Lần 4: Khi thu hoạch rộ: 4kg Urê + 4kg Kali, 10-15kg NPK (16-16-8) + 3kg Calcium nitrat.

Chú ý: Trong giai đoạn nuôi trái, trái ớt thường bị thối đuôi do thiếu canxi. Vì vậy, nhà nông cần phun bổ sung thêm Canxi, có thể bằng Clorua canxi (CaCl2) phun định kỳ 7-10 ngày/lần. Đồng thời, phun thêm phân vi lượng có Bo để ớt dễ đậu trái và ngừa trái bị sẹo.

6. Thu hoạch:

Thu hoạch ớt khi trái bắt đầu chuyển màu. Ngắt cả cuống trái, tránh làm gãy nhánh. Ớt cay cho thu hoạch 35-40 ngày sau khi trổ hoa. Ở các lứa rộ, thu hoạch ớt mỗi ngày, bình thường cách 2-3 ngày thu 1 lần. Nếu chăm sóc tốt thời gian thu hoạch có thể kéo dài hơn 3 tháng năng suất trái đạt 25-30 tấn/ha.

- Phân loại: Sau thu hoạch đem về phân loại, đem phơi. Ngày mưa hay đất ướt thì không thu hoạch.

- Ủ quả: khi thu hoạch về nên ủ thêm 2 -3 ngày đêm cho ớt chín đều màu đẹp rồi đem phơi.

- Phơi: tránh phơi trên mái tôn, sàn xi măng sẽ làm rám quả mất giá trị thương phẩm. Có thể phơi trên bải cỏ, nong nia 2- 3 nắng , quả héo rồi đem phơi trên nền xi măng tiếp cho khô. Khi bóp quả nát vụn là quả khô ( 12 - 13% nước) thì đạt yêu cầu xuất khẩu hay đem bảo quản. 

Chú ý: Nếu khi phơi 1 - 2 nắng bị mưa ướt quả thì cứ cho mưa thấm đều quả sau đó đem vào rải mỏng để hong khô và tiếp tục phơi khi có nắng cho đến lúc đạt tiêu chuẩn bảo quản.

7. Một số sâu, bệnh thường gặp:

- Bọ trĩ, bọ phấn trắng: Có thể dùng Confidor, Admire... để phòng trị.

- Sâu xanh đục trái: Sâu phá hại búp non, nụ hoa, cắn điểm sinh trưởng, đụt thủng quả, khi trái ớt còn xanh cho đến lúc gần chín.

- Sâu ăn tạp: Sâu gây hại trên lá, và cây con. Phòng trị bằng cách ngắt bỏ tổ trứng, tổ sâu non hoặc dùng: Sumicidin, Cymbus, Decis...

Sâu xanh da láng: Spodoptera exigua Hübner thuộc Họ Ngài Đêm (Noctuidae); Bộ Cánh Vảy (Lepidopera

- Đặc điểm hình thái và sinh học: Hình dạng rất giống sâu xanh nhưng nhỏ con hơn (dài 10 - 15 mm), da xanh lục với 2 sọc vàng nâu chạy dọc 2 bên thân mình, không có u gai trên lưng như sâu xanh. Bướm nhỏ hơn, màu nâu và có 1 đốm vàng ờ giữa cánh rất đặc sắc. Bướm cũng đẻ trứng ban đêm trên lá nhưng thành từng ổ từ 20 - 30 trứng có phủ lông trắng do chùm lông ở cuối bụng của con cái. Chu kỳ sinh trưởng của sâu khoảng 1 tháng, ngắn hơn nhiều so với sâu xanh hay các loài sâu khác cùng họ Noctuidae. Có lẻ vì vậy mà sâu phát triển và gia tăng mật số rất nhanh, lây lan rất dễ vì chúng cũng ăn cả ớt, hành, cà chua, bắp... và kháng thuốc rất mạnh. 

- Biện pháp phòng trừ: Cũng áp dụng chiến lược tương tự như đối với sâu xanh nhưng cần chú ý thêm các điểm sau đây: 

Sâu gia tăng mật số nhanh hơn và kháng thuốc cũng mạnh hơn nên chú ý kiểm tra kỹ khi cây còn non để có thể bắt sâu hoặc ổ trứng, hay cần lắm thì phun thuốc ngăn chặn kịp thời không cho bộc phát mật số, nhất là trong vụ Xuân - Hè là mùa có mật độ số sâu cao nhất. Vào cuối vụ Xuân - Hè thì mật số của các loài thiên địch thường tăng cao như nấm ký sinh, vi rút NPV, ong kén trắng... Do đó nên hạn chế sử dụng thuốc sâu vào lúc này để bảo vệ chúng. Khi cần thiết, có thể phun các loại thuốc như SUCCESS hoặc MATCH để phòng trị. 

 Sâu ăn tạp (Spodaptera litura Fabricius) thuộc Họ Bướm Đêm (Noctuidae); Bộ Cánh Vảy (Lepidoptera)

- Đặc điểm hình thái và sinh học: Bướm có chiều dài thân khoảng 20 - 25mm, sải cánh rộng từ 35 - 45mm. Cánh trước màu nâu vàng, giữa cánh có vân trắng, cánh sau màu trắng óng ánh. Bướm có đời sống trung bình từ 1 -2 tuần tuỳ điều kiện thức ăn. Trung bình một bướm cái có thể đẻ 300 trứng, nhưng nếu điều kiện thích hợp bướm có thể đẻ từ 900 - 2000 trứng. Thời gian đẻ trứng trung bình của bướm kéo dài từ 5 - 7 ngày đôi khi đến 10 - 12 ngày. Trứng có hình bán cầu, đường kính từ 0,4 - 0,5mm. Bề mặt trứng có những đường khía dọc từ đỉnh trứng xuống đến đáy và bị cắt ngang bởi những đường khía ngang tạo thành những ô nhỏ.Trứng mới nở có màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng tro, lúc sắp nở có màu tro đậm. 

Ổ trứng có phủ lớp lông từ bụng bướm mẹ. Thời gian ủ trứng từ 4 - 7 ngày.Thời gian phát triển của ấu trùng kéo dài từ 20 - 25 ngày, sâu có 5 - 6 tuổi tuỳ thuộc điều kiện môi trường. Nếu điều kiện thuận lợi sâu có thể dài từ 35 - 53mm, hình ống tròn. Sâu tuổi nhỏ có màu xanh lục, càng lớn sâu chuyển dần thành màu nâu đậm. Trên cơ thể có một sọc vàng sáng chạy ở hai bên hông từ đốt thứ nhất đến đốt thứ tám của bụng, mỗi đốt có một chấm đen rõ nhưng hai chấm đen ở đốt thứ nhất to nhất. Sâu càng lớn, hai chấm đen ở đốt thứ nhất càng to dần và gần như giao nhau tạo thành khoang đen trên lưng nên sâu ăn tạp còn được gọi là “sâu khoang”. Thời gian phát triển nhộng kéo dài 7 - 10 ngày, kích thước dài từ 18 - 20 mm. Nhộng sâu ăn tạp có màu xanh đọt chuối, rất mềm ngay khi mới được hình thành, sau đó chuyển dần sang màu vàng xanh, cuối cùng có màu nâu, thân cứng dần và có màu nâu đỏ. Khi sắp vũ hoá, nhộng có màu nâu đen, đốt cuối của nhộng có thể cử động được. Nhìn chung, vòng đời của sâu ăn tạp tương đối ngẳn trung bình 30,2 ngày, trong đó giai đoạn ấu trùng chiếm trung bình 21,7 ngày, đây là giai đoạn gây hại quan trọng của sâu ăn tạp. Khả năng sinh sản mạnh cùng với thời gian phá hại kéo dài vì thế sâu ăn tạp là đối tượng gây hại quan trọng cho rau màu. 

- Tập quán sinh sống và cách gây hại: Bướm thường vũ hoá vào buổi chiều và bay ra hoạt động vào lúc vừa tối, ban ngày bướm đậu ở mặt sau lá hoặc trong các bụi cỏ. Bướm hoạt động từ tối đến nửa đêm, có thể bay xa đến vài chục mét và cao đến 6 - 7 mét. Sau khi vũ hoá vài giờ, bướm có thể bắt cặp và một ngày sau đó có thể đẻ trứng. Sâu ăn tạp ăn phá nhiều loại cây nên có mặt quanh năm trên đồng ruộng. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nấp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm.Sâu vừa nở ăn gặm vỏ trứng và sống tập trung, nếu bị động sâu bò phân tán hoặc nhả tơ buông mình xuống đất. Sâu tuổi 1 - 2 chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng, từ tuổi 3 trở đi sâu ăn phá mạnh cắn thủng lá và gân lá. Ở tuổi lớn khi thiếu thức ăn, sâu còn tập quán ăn thịt lẫn nhau và không những ăn phá lá cây mà còn ăn trụi cả thân, cành, trái non. Khi làm nhộng, sâu chui xuống đất làm thành một khoang và nằm yên trong đó hoá nhộng. 


- Biện pháp phòng trừ: 

+ Biện pháp canh tác: Đất trước khi trồng cần phải được cày, phơi và xử lý thuốc trừ sâu hoặc cho ruộng ngập nước 2 - 3 ngày để diệt nhộng, sâu non có trong đất. Phải thường xuyên đi thăm ruộng để kịp thời phát hiện sâu, ngắt bỏ ổ trứng hoặc tiêu diệt sâu non mới nở khi chưa phân tán đi xa. Ngài sâu khoang có khuynh hướng thích mùi chua ngọt và ánh sáng đèn, do đó có thể dùng bả chua ngọt để thu hút bướm khi chúng phát triển rộ. Bả chua ngọt gồm 4 phần giấm + 1 phần mật + 1 phần rượu + 1 phần nước. Sau đó đem bả mồi vào chậu rồi đặt ở ngoài ruộng vào buổi tối nơi thoáng gió có độ cao 1m so với mặt đất. 

+ Biện pháp sinh học: Sâu ăn tạp thường bị 4 nhóm ký sinh sau: côn trùng ký sinh (Ong thuộc họ Braconidae và ruồi thuộc họ Tachinidae ), nấm ký sinh (Beauveria sp. và Nomurea sp. ), siêu vi khuẩn gây bệnh VPV, vi khuẩn và Microsporidia. 

+ Biện pháp hoá học: Atabron được dùng làm nền phối hợp với các loại thuốc còn lại hoặc với các loại thuốc Cúc tổng hợp sẽ cho hiệu quả phòng trị rất tốt. Sâu ăn tạp cũng rất dễ kháng thuốc, nên luân phiên nhiều loại thuốc để phun. 

Bệnh thán thư hại ớt:

- Triệu chứng: Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa và có nhiệt độ cao, mùa nắng bệnh ít gây hại hơn.Bệnh thường gây hại từ già đến chín, nếu giống mẫn cảm bệnh gây hại cả trên trái non.Vết bệnh lúc đầu là những đốm tròn có màu xanh đậm, sau đó vết bệnh lớn dần có hình tròn hoặc bầu dục, vết bệnh lõm xuống có màu vàng nhạt đến trắng xám hoặc đen.

- Tác nhân gây bệnh:Nếu vết bệnh có màu trắng trắng xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm nhô lên và có màu vàng nhạt, trên đố có những chấm nhỏ li ti màu vàng do nấm Colletotrichum spp. gây ra (Colletotrichum gloeosprioides; C. capsici; C. acutatum; C. coccodes .Nếu vết bệnh có màu đen không có nhiều vòng đồng tâm, trong vết bệnh có nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, và chỉ gây hại trên trái chín mà thôi, do nấm Volutella sp. gây ra.

 

- Cách phòng trừ: Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, thu hái các trái bệnh đem thu huỷ. Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 - 3 năm . Chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt. Tránh trồng ớt trong mùa mưa.

Phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 EC, Appencarb, FOLPAN 50SC, ... nồng độ 0,2 - 0,5% khi bệnh gây hại.

Bệnh héo xanh: 

- Triệu chứng bệnh: Bệnh gây hại nặng ở vùng trồng ớt trong suốt mùa mưa . Bệnh xãy ra rãi rác trên từng cây hoặc từng nhóm cây ở giữa ruộng. Triệu chứng đầu tiên trên cây già là các lá bên dưới bị héo nhẹ; nhưng ở cây con thì các lá non bị héo trước. Sau vài ngày cây bất thình lình héo nhanh nhưng lá không vàng. Chẻ thân ở phần gốc và rễ ta thấy các mạch nhựa biến thành màu xám đất đến nâu nếu nhúng phần bị cắt vào nước ta sẽ thấy dòng vi khuẩn tuôn ra có màu trắng sửa.

- Tác nhân gây bệnhDo vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra.

- Biện pháp phòng trị: Lên líp cao thoát nước tốt, bón vôi. Luân canh không trồng họ cà ớt trên ruộng bị nhiễm nặng 2 - 3 năm. Tưới nước Copper zinc 85WP, Starner 20WP... 0,5 - 1% vào gốc cây mới bị bệnh.

Nhổ và tiêu huỷ các cây bị bệnh nặng để tránh lây lan.

 Bệnh thối đọt non hại ớt: 

- Triệu chứng bệnh: Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc khi thời tíêt ẩm có nhiệt độ cao.

Bệnh thường gây hại trên hoa, chồi hoa, hoặc các nhánh non của cây. Mô cây nơi bị nhiễm bệnh có màu nâu đen đến đen, và nấm lan nhanh xuống phần dưới, làm phần đọt bị chết và thối mềm ra. Trong điều kiện ẩm độ cao nơi phần bị thối ta thường thấy có tơ nấm màu trắng và tận cùng có phình tròn màu đen.

- Tác nhân gây bệnh: Do nấm Choanephora cucurbitarum gây ra.

- Biện pháp phòng trị: Không trồng ớt quá dày, làm cỏ tạo cho ruộng ớt thông thoáng. Tránh trồng ớt vào mùa mưa. Liếp phải cao và thoát nước tốt. Không tưới nước quá đẩm vào chiều mát khi có bệnh xuất hiện.  Phun thuốc Score 250 EC, FOLPAN 50SC ... nồng độ 0,2 - 0,5% khi bệnh gây hại nặng

 Bệnh khảm:

- Triệu chứng: Bệnh thường gây hại ở giai đoạn cây ra hoa kết trái trở về sau, bệnh gây hại nặng trong mùa nắng nóng và nhẹ trong mùa mưa. Bệnh thường làm lá đọt nhỏ, xoắn lại, lá không phát triển, lóng ngắn, cây trở nên giòn dễ gãy. Bệnh nặng cây còi cọc, hoa bị vàng nhỏ và rụng, cây rất ít trái, trái nhỏ và vặn vẹo. Cuối cùng cây có thể bị chết. 

- Tác nhân gây bệnh:Do virus gây ra;côn trùng chích hút như rầy mềm, bù lạch là vector truyền bệnh

 - Biện pháp phòng trị:  Không sử dụng nguồn giống ở những ruộng bị bệnh. Bón phân cân đối và tăng cường thêm lượng phân chuồng hoai mục để tăng khả năng chống chịu được bệnh. Phun thuốc trừ nhóm côn trùng chích hút bằng thuốc ACTARA 25WG, VERTIMEC 1.8 ND.

Nhổ cây bị bệnh đem tiêu hủy để tránh lây lan.

Bệnh chết rạp cây con: Bệnh do một loại nấm gây nên có tên khoa học là Rhizoctonia solani pythium spp; Fusarium spp gây ra. Nấm thường tấn công làm cây con chết rũ ngang gốc thân hay phần tiếp giáp giữa thân với mặt đất. bệnh xảy ra ở những nơi ẩm ướt và sử dụng phân chuồng chưa hoai mực để bón.

 Héo rũ gốc mốc trắng  Do nấm Sclerotium rolfsii. 

- Triệu chứng bệnh: Triệu chứng điển hình của bệnh được thể hiện rõ nhất từ khi cây ra hoa - hình thành quả - thu hoạch. Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu tươi hơi lõm, về sau vết bệnh lan rộng có thể dài tới vài centimet bao quanh thân, gốc, lan rộng xuống tận cổ rễ dưới mặt đất. Mô vết bệnh dần dần bị phân hủy, các lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên các lá phía trên, cuối cùng dẫn tới các lá héo rũ, cây khô toàn thân. Khi cây mới nhiễm bệnh thì rễ cây vẫn bình thường, sau đó rễ dần dần hóa nâu, thâm nâu và thối mục. Trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, ẩm độ cao thì trên bề mặt vết bệnh sát mặt đất sẽ xuất hiện lớp nấm màu trắng phát triển mạnh, sợi nấm mọc đâm tia lan dần ra mặt đất chung quanh gốc cây, tạo thành một đốm tản nấm màu trắng xốp, một vài ngày sau trên tản nấm đó sẽ hình thành nhiều hạch nấm. Khi còn non hạch có màu trắng sau chuyển dần sang màu nâu giống hạt cải. Bệnh xuất hiện có thể rải rác hoặc từng vạt trên ruộng tùy theo điều kiện ngoại cảnh đất đai và quá trình chăm sóc.

-  Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh : Đây là loại nấm đa thực gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao nhưng thích hợp nhất là nhiệt độ 25-300C. Hạch nấm có thể tồn tại 5 năm trong đất khô nhưng chỉ tồn tại 2 năm trên đất ẩm. Sợi nấm chỉ sống được vài tuần và chết khi nguồn dinh dưỡng được sử dụng hết. Nấm gây bệnh được bảo tồn trong đất và các tàn dư  cây trồng bằng hạch nấm hoặc sợi nấm, có khả năng sinh sống và nảy mầm ở độ sâu khoảng 5-8cm, nếu bị vùi lấp sâu hơn sẽ không có khả năng nảy mầm. Nấm không thể tồn tại trên đất bỏ hoang khoảng 2 năm. Sự có mặt của tàn dư cây trồng chưa bị phân hủy trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và xâm nhiễm của nấm bệnh. Bệnh thường phát sinh nặng hơn khi lượng lá rụng trên ruộng tích tụ quá nhiều chung quanh gốc. 

Bệnh Héo rũ thối đen: Do nấm Phytophthora capsici. 

Bệnh gây hại trên cây ớt trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển. Tùy từng giai đoạn và điều kiện ngoại cảnh khác nhau mà mức độ gây hại của bệnh cũng khác nhau. Ở thời kỳ cây con, vết bệnh lúc đầu là là một chấm nhỏ màu nâu hoặc màu đen  ở  rễ gốc thân. Sau đó vết bệnh lan lên phía trên làm hại thân lá và lan xuống phía dưới gây hại rễ chính, gây thối rễ, cây chết gục. Khi gặp trời mưa độ ẩm cao toàn cây bị thối nhũn ra, bề mặt mô bệnh thường có một lớp nấm màu trắng.Trời hanh khô cây bệnh nâu đen héo và chết. Khi cây lớn, trên gốc thân có vết màu đen kéo dài về phía trên và dưới. Khi chẻ phần thân thấy lõi có màu nâu đến nâu đen, nhưng đặc điểm này không có ở những vị trí cao hơn. 

- Đặc điểm phát sinh gây hại của nấm : Nấm phát sinh gây hại trong phổ nhiệt độ rộng 12-30oC. Bệnh phát triển gây hại mạnh khi thời tiết nóng ẩm và đất ướt, lượng mưa lớn hay tưới nước quá mức, nhất là khi trên ruộng đã có cây bị bệnh thì đây là điều kiện để bệnh lây lan ra cả ruộng, vì du động bào tử của nấm gây bệnh có thể bơi được trong nước.

Để phòng trừ bệnh hại ớt một cách có hiệu quả nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sau:

+ Cày ải sớm để tiêu diệt nguồn dịch hại trong đất. 

+Thu hoạch ớt đúng thời vụ tránh để quả quá lâu, nhất là khi trời mưa, ớt đến giai đoạn thu hoạch. 

+ Vệ sinh đồng ruộng, không vứt quả, cây bệnh trên ruộng. 

+ Dùng giống kháng, giống ít nhiễm bệnh để trồng. 

+ Làm sạch cỏ dại để hạn chế nơi cư trú của dịch hại. 

+ Bảo vệ các loài thiên địch có lợi.

+ Dùng thuốc hóa học.