Trang chủ / Góc chia sẻ / Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất bưởi đỏ đặc sản

Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất bưởi đỏ đặc sản


Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cho các nhà vườn, nông hộ sản xuất bưởi đỏ đặc sản trên địa bàn huyện Mê Linh, ngày 13 tháng 1 năm 2024, Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội phối hợp với Hội Làm Vườn Hà Nội, Công ty New AG Technologies Viet Nam tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức với chủ đề Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất bưởi đỏ đặc sản

Đến dự Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT (Chi cục Trồng trọt-bảo vệ thực vât, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm phát triển cây trồng), Sở khoa học, Hội nông dân Thành phố; đại diện các cơ quan chuyên môn của huyện Mê Linh; Đại diện Viện nghiên cứu rau quả, Trung tâm tài nguyên thực vật; các đồng chí Lãnh đạo xã Tráng Việt, các doanh nghiệp, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm đến tham dự Hội nghị và đặc biệt là sự có mặt của các HTX, các hộ sản xuất bưởi đỏ trên địa bàn huyện Mê Linh và xã Tráng Việt.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT năm 2022 diện tích bưởi của Hà Nội là 7.500 ha, chủ yếu ở huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì… Cơ cấu giống gồm : 12 giống bưởi các loại (bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Quế Dương, bưởi đỏ Mê Linh, bưởi đường La Tinh, bưởi Thồ, bưởi chua đầu tôm,…) kéo dài thời vụ thu hoạch quả bưởi tại Hà Nội từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau. 

Giống bưởi đỏ Mê Linh phân bố chủ yếu tại xã Tráng Việt được coi là  giống cây trồng đặc sản, vừa có ý nghĩa tâm linh bởi màu đỏ đem sự lại may mắn vào dịp Tết Nguyên Đán lại vừa có giá trị dinh dưỡng và hương vị đặc trưng.

Trước năm 2015, các vùng bưởi của Hà Nội chủ yếu là bưởi Diễn ở tình trạng năng suất thấp, chât lượng không ngon, nhiều vùng bưởi người dân muốn chặt bỏ, để chuyển sang trồng cây khác. Giống bưởi đỏ Mê Linh cũng nằm trong tình trạng đó, cây sinh trưởng kém, sâu bệnh hại nặng, kích thước quả nhỏ, vị chua gắt, khó tiêu thụ, người dân không muốn phát triển và hầu như không có diện tích trồng mới,…

Thời gian gần đây, với sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT, các cơ quan nghiên cứu đóng trên địa bàn, và sự đồng thuận của người dân, đến nay giống bưởi đỏ đã phát triển diện tích tăng hơn, sản phẩm đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao, được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, đó là: năng suất bưởi đỏ tại các vườn bưởi khác nhau đáng kể; kích thước và màu sắc quả cũng không đồng đều giữa các vườn trồng; giữa các cây và trong cùng một cây cũng có sự khác nhau và nếu so sánh về chất lượng thì càng khác nhau giữa các vườn, điều đó chứng tỏ việc chăm sóc không thống nhất theo quy trình chung. Trong khi hiện nay có rất nhiều tiến bộ kỹ thuật được các nhà khoa học triển khai áp dụng có hiệu quả trên địa bàn Thành phố (như kỹ thuật Tỉa cành tạo tán, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh để đạt được năng suất và chất lượng cao). Hội nghị tập huấn sẽ góp phần giải quyết các tồn tại nêu trên.

Tại Hội nghị đã được chia sẻ bởi hai chuyên gia: TS Ngô Hồng Bình nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, Giám đốc kỹ thuật Công ty New AG Technologies Viet Nam và TS. Nguyễn Hữu Hải Phó Trưởng Ban, Trung tâm tài nguyên thực vật, là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng. Phần thảo luận đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, giải đáp những khúc mắc của người sản xuất mục đích để nâng cao năng suất chất lượng và ngày càng nâng được giá trị của sản phẩm bưởi đỏ Mê Linh.

Thông qua buổi tập huấn, đã có những đề xuất, kiến nghị với Huyện, Thành phố, với các nhà khoa học nhằm bảo tồn và phát triển giống bưởi đỏ quý của huyện Mê Linh và kết quả hội nghị tập huấn này hy vọng sẽ lan tỏa, được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất bưởi trên địa bàn huyện Mê Linh và các huyện khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội.