ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG NÔNG NGHIỆP
2 - Tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Có ý kiến cho rằng trong nông nghiệp công nghệ cao được hiểu đơn giản là cao hơn những cái ta đang làm, có áp dụng một số công nghệ như chế phẩm sinh học, phòng trừ sâu bệnh, chăm bón,…Với cách hiểu này, tùy vào sự phát triển của lực lượng lao động mỗi vùng miền mà công nghệ áp dụng tại cùng thời điểm sẽ được đánh giá khác nhau, điều này sẽ gây khó khăn khi đưa vào ứng dụng. Vì vậy, một số tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được đưa ra như :
- Tiêu chí kỹ thuật là có trình độ công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng .
- Tiêu chí kinh tế là sản phẩm do ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 30% so với công nghệ đang sử dụng ngoài ra còn có các tiêu chí xã hội, môi trường khác đi kèm.
- Nếu là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải tạo ra sản phẩm tốt, năng suất hiệu quả tăng ít nhất gấp 2 lần.
- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (được hiểu là nơi sản xuất tập trung một hoặc một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào toàn bộ hoặc một số khâu) có năng suất và hiệu quả tăng ít nhất 30%.
Như vậy, việc che phủ nilon cũng là công nghệ cao do nilon giữ ẩm, phòng trừ cỏ dại, có thể cho năng suất vượt trên 30% năng suất thông thường hay như công nghệ sử dụng ưu thế lai trong chọn tạo giống, công nghệ sinh học giúp tăng năng suất trên 30% có thể gọi là công nghệ cao . Trong thuỷ sản như phương pháp sản xuất cá đơn tính cũng là công nghệ cao. Kỹ thuật như tưới nước tiết kiệm, nhà màng…cũng là công nghệ cao.
Một số ý kiến khác lại cho rằng công nghệ cao là công nghệ rất cao, vượt trội hẳn lên như công nghệ của Israel về nhà lưới, tưới nước, chăm bón tự động… Do đó, công nghệ cao được hiểu không phải như là một công nghệ đơn lẻ, cụ thể. Quy trình công nghệ cao phải đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng, là sự kết hợp chặt chẽ của từng công đoạn cụ thể như: giống, công nghệ nhà kính, kỹ thuật, phân bón sinh học hữu cơ...
Cốt lõi của công nghệ cao là cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn. Chất lượng ở đây đòi hỏi phải đáp ứng được 3 khía cạnh: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ. Bởi vì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ sản xuất để đáp ứng yêu cầu cho nhu cầu hằng ngày của con người mà còn phải mang lợi nhuận cao.
3 - Tình hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong và ngoài nước
3 - 1 : Từ những năm giữa thế kỷ XX, các nước phát triển đã quan tâm đến việc xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ giúp cho kinh tế phát triển. Đầu những năm 80, tại Hoa Kỳ đã có hơn 100 khu khoa học công nghệ. Ở Anh quốc, đến năm 1988 đã có 38 khu vườn khoa học công nghệ với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp. Phần Lan đến năm 1996 đã có 9 khu khoa học nông nghiệp công nghệ cao. Phần lớn các khu này đều phân bố tại nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu để nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới và kết hợp với kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp để hình thành nên một khu khoa học với các chức năng cả nghiên cứu ứng dụng, sản xuất, tiêu thụ và dịch vụ.Bên cạnh các nước tiên tiến, nhiều nước và khu vực lãnh thổ ở Châu á cũng đã chuyển nền nông nghiệp theo hướng số lượng là chủ yếu sang nền nông nghiệp chất lượng, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá, tin học hoá… để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, hiệu quả.
* Việc ứng dụng công nghệ cao (ƯD CNC) trong canh tác bao gồm:
- Công nghệ lai tạo giống: Đây là công nghệ được ứng dụng phổ biến trong việc nghiên cứu và chọn tạo các giống cây trồng, con vật nuôi có những tính chất ưu việt cho hiệu quả, năng suất cao hoặc có khả năng chống chịu tốt đối với điều kiện ngoại cảnh tác động, góp phần đẩy nhanh sự phát triển về mặt năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi .
- Công nghệ nuôi cấy mô thực vật In vitro: Công nghệ nuôi cấy mô được hơn 600 công ty lớn trên thế giới áp dụng để nhân nhanh hàng trăm triệu cây giống sạch bệnh. Thị trường cây giống nhân bằng kỹ thuật cấy mô vào khoảng 15 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm.
- Công nghệ trồng cây trong nhà kính: nay được gọi là nhà màng do việc sử dụng mái lợp bằng màng polyethylen thay thế cho kính (green house) hay nhà lưới (net house). Trên thế giới, công nghệ trồng cây trong nhà kính đã được hoàn thiện với trình độ cao để canh tác rau và hoa. Ứng với mỗi vùng miền khác nhau những mẫu nhà kính và hệ thống điều khiển các yếu tố trong nhà kính cũng có sự thay đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng, trong đó hệ thống điều khiển có thể tự động hoặc bán tự động.
- Công nghệ trồng cây trong dung dịch (thủy canh), khí canh và trên giá thể: Trong đó các kỹ thuật trồng cây thủy canh (hydroponics) dựa trên cơ sở cung cấp dinh dưỡng qua nước (fertigation), kỹ thuật khí canh (aeroponics) – dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng phun sương mù và kỹ thuật trồng cây trên giá thể - dinh dưỡng chủ yếu được cung cấp ở dạng lỏng qua giá thể trơ. Kỹ thuật trồng cây trên giá thể (solid media culture) thực chất là biện pháp cải tiến của công nghệ trồng cây thủy canh vì giá thể này được làm từ những vật liệu trơ và cung cấp dung dịch dinh dưỡng để nuôi cây.
- Công nghệ tưới nhỏ giọt: Công nghệ này phát triển rất mạnh mẽ ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, đặc biệt ở các nước mà nguồn nước tưới đang trở nên là những vấn đề quan trọng chiến lược. Thông thường hệ thống tưới nhỏ giọt được gắn với bộ điều khiển lưu lượng và cung cấp phân bón cho từng lọai cây trồng, nhờ đó tiết kiệm được nước và phân bón.
( Mô hình Trồng dưa vàng trên giá thể trong nhà màng, với hệ thống tưới nhỏ giọt )
* Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và thuỷ sản:
- Đưa các giống vật nuôi qua thụ tinh nhân tạo và truyền cấy phôi vào sản xuất: Với phương pháp này có thể giúp duy trì được nguồn giống tốt và tiện lợi cho việc nhập khẩu giống nhờ việc chỉ phải vận chuyển phôi đông lạnh thay vì động vật sống, tuy nhiên giá thành tương đối cao và đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.
- Sử dụng các giống cá qua biến đổi bộ nhiễm sắc thể và chuyển đổi giới tính ở cá: giúp nâng cao năng suất nuôi trồng. Ví dụ chỉ có cá tầm cái đẻ trứng và cá đực Tilapia lớn nhanh hơn cá cái. Ví dụ cá đực tilapia chuyển thành cá cái khi xử lý với oestrogen. Loại cá đực này khi giao phối với cá cái bình thường sẽ đẻ ra toàn cá đực do đó tăng năng suất nuôi trồng khá cao.
- Hỗ trợ dinh dưỡng vật nuôi: Các công nghệ biến đổi gen ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm cải thiện dinh dưỡng vật nuôi như thông qua việc biến đổi thức ăn để vật nuôi dễ tiêu hoá hơn, hoặc là kích thích hệ thống tiêu hoá và hô hấp của vật nuôi để chúng có thể sử dụng thức ăn hiệu quả hơn.
- Công nghệ trong chuẩn đoán bệnh và dịch tễ: Các loại kít thử dựa trên nền tảng công nghệ sinh học cao cho phép xác định các nhân tố gây bệnh và giám sát tác động của các chương trình kiểm soát bệnh ở mức độ chính xác cao mà trước đây chưa hề có. Dịch tễ phân tử đặc trưng bởi các mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn, ký sinh và nấm) có thể xác định được nguồn lây nhiễm của chúng thông quan phương pháp nhân gen.
3-2 : Ở Việt Nam
Trong những năm gần đây thực hiện Quyết định 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao ; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
- Các khu công nghệ cao : Trong các địa phương có khu Nông nghiệp Công nghệ cao (gọi tắt là Khu CNC ), TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là đảm bảo được tính đồng bộ liên hoàn từ khâu nghiên cứu đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong khu CNC bao gồm khu thí nghiệm và trưng bày sản phẩm, khu nhà kính, khu học tập và chuyển giao công nghệ, khu bảo quản và chế biến, khu sản xuất kêu gọi đầu tư. Nhà nước đầu tư vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng tại tất cả các khu. Các doanh nghiệp thu hút vào khu chủ yếu đầu tư vào sản xuất giống cây trồng như các loại rau, hoa …, đồng thời, có thể cung cấp vật tư nông nghiệp để cung cấp cho nông dân sản xuất. Các loại nông sản sẽ được doanh nghiệp mua lại với giá theo đúng hợp đồng đã ký kết với nông dân.
Các doanh nghiệp tham gia sản xuất trong Khu CNC có sản lượng hàng hóa tập trung, kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng nông sản, giảm được chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng trên một đơn vị diện tích. Được hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuê đất, thuế các loại….
- Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông thường do một doanh nghiệp đầu tư, quy mô tùy theo khả năng đầu tư vốn và sản phẩm của mô hình là sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp.
( các chế phẩm sinh học dùng bảo vệ cây trồng và làm sạch đất trồng cây)
- Công nghệ nhân in vitro cho nhiều loại giống cây trồng nông, lâm nghiệp. Trong đó đã hoàn chỉnh được quy trình công nghệ nuôi cấy bao phấn lúa, ngô phục vụ công tác tạo giống. Kỹ thuật cứu phôi cũng được áp dụng đối với một số loài mà hạt có sức sống kém hoặc khi tiến hành lai xa. Các nhà sinh học cũng đã hoàn thiện quy trình tái sinh cây có múi bằng phôi vô tính kết hợp với công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để nhân nhanh và tạo giống cam, quýt sạch bệnh, nhân giống dứa Cayen chất lượng cao, năng lực sản xuất cây giống cây ăn quả có múi sạch bệnh trong cả nước tăng lên 600.000 cây/năm và với dứa nhân được 10 triệu chồi/năm. Trong lâm nghiệp, đã nghiên cứu thành công phương pháp vi nhân giống bằng nuôi cấy mô phân sinh kết hợp với công nghệ nhân hom ở quy mô lớn cho một số loài cây lấy gỗ (bạch đàn, keo, hông, lát hoa). Công nghệ sinh học đã cho phép sản xuất cây giống Bạch đàn, Keo bằng nuôi cấy mô để trồng trên 10.000 ha rừng và nhân giống vô tính cây Phi lao trong dung dịch. Kỹ thuật nuôi cấy mô của các chuyên gia sinh học Việt Nam đã đạt được kết quả tốt trong việc nhân giống khoai tây, giống hoa và một số giống cây trồng quý khác, có thể sản xuất giống trong phòng thí nghiệm để đưa ra sản xuất nhanh chóng hơn nhiều lần phương pháp truyền thống. Thành tựu điển hình chứng minh hiệu quả tăng năng suất khi ứng dụng công nghệ sinh học cho thấy, trong 1 năm, nhờ ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến có thể sản xuất 130 nghìn cây hồng, trong khi với phương pháp dâm cành truyền thống, người nông dân chỉ có thể được tối đa 50 cây.
- Kỹ thuật sinh học phân tử giúp phát hiện những độc hại trong quá trình sản xuất, trong thức ăn hay trong hệ sinh thái ( đất, các nội vi sinh,... ) nhằm chọn lọc ở giai đoạn rất sớm từ phôi hay mầm non của những cá thể mang những đặc tính có lợi như giới tính, sức chống chịu, sức kháng bệnh, đem lại hiệu quả cao .- Kỹ thuật di truyền ( tái tổ hợp gen ) được coi là cuộc các mạng lớn của công nghệ sinh học
Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhờ chuyển thành công nhiều gen lạ vào cây trồng, tạo ra các cây trồng mới chưa từng có, có khả năng kháng sâu hại, kháng thuốc diệt cỏ, kháng bệnh hại, ức chế sự chín nhanh của quả và nhiều loại gen khác.
Sản xuất Nông nghiệp ứng dụng CNC tại một số Doanh nghiệp hiện nay còn những Ưu , Nhược điểm sau :
* Ưu điểm:
- Loại hình này có quy mô đầu tư phù hợp với khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Sự họat động mang tính độc lập và tự chủ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh định hướng sản phẩm linh họat theo yêu cầu của thị trường và khả năng đầu tư vốn của doanh nghiệp.
* Nhược điểm:
- Tuy nhiên, các mô hình vẫn tập trung chủ yếu vào khâu sản xuất, khả năng lan tỏa và chuyển giao công nghệ khó, một phần do yêu cầu bí mật công nghệ của doanh nghiệp.
- Mặc khác, xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nên khả năng thu hồi vốn chậm, các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia đầu tư.
3-3 :Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có khả năng ứng dụng cao trên một vùng chuyên canh tạo nên khối lượng hàng hóa lớn; tận dụng được các lợi thế về điều kiện tự nhiên và lao động tại vùng. Chỉ sử dụng một số công nghệ cao phù hợp với một số khâu canh tác nên chi phí đầu vào giảm, phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân. Tuy nhiên, do áp dụng công nghệ cao không đồng bộ nên chất lượng sản phẩm vẫn chưa đồng đều và cao. Khâu tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào các hợp đồng với các doanh nghiệp nên chưa ổn định.
Dẫu vậy, vẫn có những địa phương đã cố gắng khắc phục những hạn chế trên để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công, mang lại cho ta nhiều bài học kinh nghiêm quý giá.
Kinh nghiệm phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng:
Lâm Đồng là nơi tập trung nhiều vùng sản xuất có ứng dụng các công nghệ cao như vùng trồng rau hoa Đà Lạt, vùng trồng trà olong Bảo Lộc…. Trong đó, việc rà soát quỹ đất phục vụ việc lập quy hoạch các vùng nhằm đảm bảo tính ổn định về đất đai và có cơ sở để thu hút đầu tư được coi trọng. Các công nghệ trong từng lĩnh vực cũng được xem xét một cách kỹ lưỡng. Riêng đối với các vùng sản xuất rau, hoa việc ứng dụng trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng màng phủ, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt đã triển khai khá phổ biến trong những năm qua. Cụ thể là, có tới 95,9% số hộ trồng hoa sử dụng nhà màng, nhà lưới để canh tác hoa. Hoa trồng trong nhà có mái che chủ yếu là các loại hoa cúc, salem, hồng, đồng tiền, cẩm chướng, phong lan, địa lan.
Để tiêu thụ sản phẩm sản xuất từ các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay có mô hình liên kết các hộ dân trong sản xuất rau tại TP. Đà Lạt dưới hình thức Hợp tác xã. Điển hình của mô hình liên kết trong HTX là Hợp tác xã sản xuất hoa và rau Xuân Hương. HTX được thành lập trên cơ sở tự nguyện và không tích tụ ruộng đất. Các hộ xã viên sản xuất riêng lẻ trên đất của gia đình mình nhưng sản xuất theo kế hoạch sản xuất loại cây trồng theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mà HTX đã ký kết với đơn vị thu mua. Ban chủ nhiệm chịu trách nhiệm ký hợp đồng với các siêu thị, nhà hàng về số lượng rau tiêu thụ và thông báo kế hoạch cho các hộ xã viên. Theo số lượng đăng ký, đến kỳ thu hoạch các đơn vị đã ký hợp đồng với HTX tiến hành thu mua tận hộ. Hàng năm, HTX tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật cho các hộ xã viên do các cơ quan chức năng về nông nghiệp của Tỉnh tài trợ.
Kinh nghiệm phát triển tập trung vào sản phẩm chủ lực của các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh:
Tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các sản phẩm chủ lực và phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành một số vùng sản xuất như sau:
- Đối với cây cà rốt, tỉnh đã qui hoạch 450 ha tại các huyện Lương Tài, Gia Bình và cho đến nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung.
- Vùng trồng rau an toàn đã được quy hoạch và xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 50 ha tại huyện Thuận Thành. Đến nay, 10 ha dưa chuột được trồng và đã xuất khẩu.
- Đối với thuỷ sản, tỉnh đã quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm cá rô phi đơn tính, tổng diện tích 50 ha.
Hiện nay, tỉnh đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng và hướng dẫn nâng cao tay nghề cũng như trình độ kỹ thuật cao cho người nuôi trồng thuỷ sản. Dự kiến sản phẩm của vùng sẽ được tiêu thụ trong tỉnh và cung cấp cho thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
4 - Một số bài học kinh nghiệm
Từ những mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước và thế giới, ta có thể rút ra một số bài học trong phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội như sau:
4.1. Về công tác qui hoạch sử dụng đất đai
Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở thành phố Hà Nội đang ngày càng giảm do việc chuyển đổi đất nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá nhằm phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Do đó, mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho Hà Nội phù hợp là xây dựng một số vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Để ổn định tâm lý và đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất thì nhất thiết cần có giải pháp về quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố, phải giữ ổn định, tránh gây xáo trộn, tâm lý e ngại cho người dân và doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất, kinh doanh trong vùng.
4.2. Về xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Việc đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ƯDCNC ngoài đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn còn phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực . Đồng thời, việc xác định loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh của thành phố cũng cần đặc biệt lưu ý. Do đó, trong từng mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố, chúng ta không nên áp dụng nguyên xi các công nghệ cao như các địa phương khác mà phải có sự điều chỉnh để mang lại hiệu quả cao nhất. Trong đó cần tập trung ứng dụng công nghệ cao trong các khâu chọn tạo giống và bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
4.3. Về lực lượng lao động
Việc ứng dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi lao động phải có trình độ kỹ thuật và khả năng tiếp thu những kiến thức mới cũng như tham gia lao động nông nghiệp thường xuyên. Do đó, khi xây dựng các vùng nông nghiệp ƯD CNC trên địa bàn thành phố, cần chú ý đến việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân nhằm giúp người dân cập nhật kỹ thuật mới trong sản xuất. Ít nhất trong mỗi tổ chức hợp tác (Hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ hợp tác) phải có từ 1-3 cán bộ chuyên trách về kỹ thuật tùy theo quy mô tổ chức hoặc trên 50% số lao động đã qua đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Đồng thời cần có những giải pháp cụ thể để thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia vào hoạt động sản xuất này, vì đó mới là lực lượng lao động có khả năng tiếp thu và phát huy tốt nhất trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
4.4. Mối liên kết giữa nông dân- hợp tác xã- doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Qua mô hình liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp với hình thức doanh nghiệp cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cũng như vật tư nông nghiệp cho người dân sản xuất, có thể thấy chỉ có thông qua liên kết với doanh nghiệp việc sản xuất của người nông dân mới được tiến hành quy củ hơn và hiệu quả mang lại cũng đảm bảo hơn. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, mối liên kết giữa các hộ nông dân thông qua việc thành lập Hợp tác xã trên nguyên tắc tự nguyện sẽ tạo thuận lợi hơn về mặt pháp lý trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng với các đơn vị tiêu thụ và quá trình đăng ký thương hiệu nông sản.
- Hợp tác xã sẽ đảm nhiệm vai trò đầu mối cho các xã viên tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong cung cấp yếu tố đầu vào, đầu ra cho nông dân, trên cơ sở tham khảo ý kiến và cân đối với khả năng sản xuất ổn định của các xã viên.
- Người nông dân khi đó chỉ tập trung vào công việc duy nhất là sản xuất nông sản với chất lượng và số lượng theo kế hoạch phát triển sản xuất của hợp tác xã.
- Về phía doanh nghiệp liên kết cần đảm bảo sự ổn định trong các điều khoản cam kết và hỗ trợ đã ký kết với hợp tác xã. Tránh tình trạng chậm trễ trong thanh toán, và hành động có ý tiêu cực với nông dân.
4.5. Vai trò quản lý của nhà nước
Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước hết, là trong công tác qui hoạch đất đai để tạo quỹ đất sản xuất ổn định, tâm lý an tâm cho người nông dân, doanh nghiệp đầu tư.
Thứ đến, là công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, việc phát triển các công nghệ cao chủ yếu là các công nghệ mới và vốn đầu tư tương đối lớn nên nhà nước cần phải kết hợp nguồn lực từ ngân sách với khơi dậy nguồn lực từ trong dân với các hình thức khác nhau để triển khai thực hiện đầu tư các mô hình thí điểm một cách hiệu quả. Từ đó tạo ra hiệu ứng “lan toả” tiến tới nhân rộng toàn vùng.
Hơn nữa, việc tập huấn, chuyển giao công nghệ cũng phải được Nhà nước quan tâm nhằm giúp người dân tiếp cận với công nghệ mới và có thể ứng dụng vào sản xuất một cách hiệu quả.
4.6. Đẩy mạnh công tác khuyến nông- lâm- ngư
Công tác khuyến nông-lâm-ngư (gọi tắt là khuyến nông) có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao trình độ kiến thức cho bà con nông dân, góp phần đưa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn hoạt động sản xuất, trên hết là tạo mối liên hệ khăng khít giữa người nông dân – nhà quản lý và nhà khoa học. Cần thiết phải đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng hệ thống đến tận cơ sở. Tích cực thông tin tuyên truyền các chính sách, chủ trương hỗ trợ phát triển của Nhà nước và đào tạo, tập huấn, triển khai mô hình trình diễn cho nông dân, kịp thời phản hồi tâm tư nguyện vọng của người dân đến các Sở, ban ngành có liên quan để có phương án giải quyết thỏa đáng.
5 - CÁC VẤN ĐỀ TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CNC TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Vấn đề về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp: Việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của thành phố còn thiếu ổn định, chỉ có một số vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch phát triển. Chính điều này gây khó khăn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư kinh doanh, sản xuất.
- Vấn đề về dồn điền đổi thửa: Do lịch sử để lại nên hiện nay việc sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, chẳng hạn như canh tác trên những mảnh đất manh mún nên đầu tư cơ giới hoá, áp dụng các công nghệ cao trong sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác “dồn điền đổi thửa” trên địa bàn thành phố chưa được triển khai rộng rãi và hiệu quả .
- Vấn đề về vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ: Ngoài vấn đề về việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp thì vấn đề về vốn cũng gây khá nhiều cản trở cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với nguồn vốn tích tụ trong dân thấp cùng tỷ lệ vốn cấp hàng năm cho đầu tư phát triển nông nghiệp giảm dần trong cơ cấu phân bổ ngân sách, trong khi việc đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu phải tương đối lớn và kéo dài.
- Vấn đề về cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hiện tại ở cấp địa phương vẫn thiếu các cơ chế, chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, các Hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển, khiến các vùng sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nguy cơ mất đất sản xuất để phát triển hạ tầng, kinh tế -xã hội, diện tích sản xuất lại manh mún, nhỏ lẻ khó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả.
- Vấn đề về sự phù hợp của mô hình ứng dụng: Thời gian qua đã có nhiều mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố, nhưng nhìn chung vẫn chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội chung nên cần có những mô hình phù hợp hơn với điều kiện của địa phương ứng dụng, có khả năng nhân rộng cho toàn vùng sản xuất tập trung.
- Vấn đề về thúc đẩy kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử : Nhu cầu thị trường sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao với giá cả hợp lý không chỉ mở rộng ở Hà Nội mà còn ở các vùng lân cận và xuất khẩu đi nước ngoài. Trong khi đó nguồn cung sản phẩm tại chỗ chỉ mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ, lại thiếu tính ổn định trên thị trường do mối liên kết yếu giữa nông dân sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, chế biến.
- Vấn đề về hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ: Lực lượng lao động trong nông nghiệp của Hà nội tuy vẫn còn dồi dào nhưng dần bị “già hóa”, khả năng tiếp thu các kiến thức, quy trình khoa học công nghệ mới bị hạn chế. Thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao để thuận tiện trong việc thực hành, vận dụng sáng tạo, đưa công nghệ cao đi nhanh vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
- Vấn đề về sự biến đổi khí hậu: Với điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, lại chịu ảnh hưởng chung từ hiệu ứng nhà kính gây nóng lên khí hậu toàn cầu sẽ tăng tần suất và mức độ ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt, mưa bão, dịch bệnh...tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Thực tế đó đòi hỏi phải nhanh chóng đưa công nghệ cao vào ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để ổn định năng suất, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Vấn đề môi trường: Việc sử dụng thuốc BVTV, phân vô cơ và các vật tư nông nghiệp khác cũng như chất thải trong quá trình sản xuất chưa được xử lý sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố . Mặc dù, hiện tại mức độ ô nhiễm chưa đáng kể nhưng đây cũng là vấn đề cần quan tâm và có hướng giải pháp về công nghệ xử lý phù hợp.
6 - Lựa chọn vùng sản xuất Nông nghiệp ƯD CNC trên địa bàn TP Hà Nội .
6.1 - Các tiêu chí xác định vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Là vùng sản xuất tập trung, không bị phân tán nhiều bởi các dự án qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác của Huyện và Thành phố.
- Các chủ thể tham gia sản xuất trong vùng đã được trang bị kiến thức, kỹ thuật canh tác đối với đối tượng cây trồng, con vật nuôi để có đủ khả năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
- Việc liên kết của các hộ dân sản xuất trong vùng đã được hình thành, có thể thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
- Sản phẩm của vùng đã được thị trường công nhận về chất lượng hoặc có nhu cầu tiêu thụ lớn so với tiềm năng cung ứng của vùng.
- Ưu tiên cho những vùng được hỗ trợ từ các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ hoặc phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị có đề tài, đề án đã và đang triển khai.
6.2 - Các tiêu chí lựa chọn công nghệ cao ứng dụng tại các vùng sản xuất
- Phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để có thể ứng dụng và nhân rộng.
- Phù hợp với trình độ sản xuất, khả năng đầu tư, quản lý của người dân vùng nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ.
- Mang lại hiệu quả kinh tế hoặc năng suất cao, sản phẩm tạo ra phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng .
- Phải là công nghệ tiên tiến tại thời điểm ứng dụng, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường vùng sản xuất và các vùng xung quanh.
7 - Định hướng phát triển các vùng sản xuất Nông nghiệp ƯD CNC tại Hà Nội
- Phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiệu quả theo hướng chuyên canh bền vững, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với xu hướng phát triển chung của thành phố Hà Nội.
- Khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mặt nước để tăng trưởng ổn định trong điều kiện quá trình đô thị hóa lan nhanh ảnh hưởng đến xu hướng phát triển cuả nền nông nghiệp truyền thống.
- Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái.
- Tập trung nguồn lực nhà nước đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho sản xuất của các vùng.
- Cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy đầu tư, đổi mới công nghệ cho các vùng phải gắn liền với việc đào tạo, nâng cao năng lực tiếp thu của người dân
8. Mục tiêu và định hướng phát triển công nghệ trong Nông nghiệp:
- Xây dựng từ 2 - 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở lên với mục tiêu tập trung vào các loại sản phẩm nông nghiệp sau:
- Các loại rau, quả, thực phẩm an toàn sản xuất theo quy trình VietGap.
- Giống lúa chất lượng cao.
- Các giống hoa thương phẩm cao cấp.
- Các loại nấm ăn, nấm dược liệu an toàn.
- Các giống vật nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao
- Sản phẩm thủy sản nước ngọt.
- Ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp từ việc sản xuất đến hệ thống tiêu thụ sản phẩm.
- Định hướng phát triển
- Xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản tại các vùng sản xuất ổn định.
- Liên kết chặt chẽ với Viện, Trung tâm nghiên cứu,... để lựa chọn và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, con vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng kháng bệnh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương.
- Củng cố, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo việc tiêu thụ ổn định sản phẩm được tạo ra từ các vùng sản xuất này. Từ đó tạo hiệu ứng “lan toả” trong vùng và phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo sự bền vững của mô hình sản xuất.
- Chủ động xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tạo liên kết cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho các vùng sản xuất.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ nông dân tham gia vào sản xuất tại các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các hợp tác xã, tổ hợp tác.8 - Các giải pháp phát triển vùng sản xuất Nông nghiệp ƯD CNC tại Hà Nội 8.1. Đẩy nhanh công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC
8.2. Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa tại các vùng
8.3. Thúc đẩy việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao tại các vùng
8.4. Mở rộng việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực
8.5. Xúc tiến thương mại về thị trường tiêu thụ
8.6. Hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư cho các Vùng
8.7. Phát triển các tổ chức kinh doanh, sản xuất8.8. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các vùng sản xuất, trong công tác thực hiện quy hoạch, về chuyển giao KHKT và công nghệ
8.9 . Tăng cường bảo vệ môi trường tại các vùng
8.10. Đẩy mạnh vận động tuyên truyền phát triển sản xuất nông nghiệp ƯD CNC
- Nông nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể khi áp dụng những thành tựu công nghệ sinh học, công nghệ chọn tạo giống, công nghệ thông minh vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản . Qua đó giúp nâng cao năng suất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, tiết kiệm chi phí cho người nông dân, góp phần đem lại sự ổn định và bền vững của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại của Việt Nam vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về năng lực nghiên cứu và phát triển, về đầu tư, hợp tác và hội nhập quốc tế, tiếp cận và trao đổi thông tin cùng các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Công ty TNHH Hạt giống và Nông sản Năm Sao ( https://nongsan5sao.com )
vừa là đơn vị nghiên cứu sản xuất và cung cấp các giống cây trồng mới có chất lượng cao, vừa sẵn sàng tư vấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong Nông nghiệp, vừa là đơn vị thu mua, kết nối tiêu thụ nông sản chất lượng cao luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng các cá nhân, tập thể quan tâm đến ứng dụng CNC, công nghệ sinh học vào sản xuất Nông nghiệp và tiêu thụ nông sản thực phẩm .