CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THỦ ĐÔ
Nông nghiệp công nghệ cao ( NN CNC ) là nền nông nghiệp vận dụng những công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất . Đề án “ Phát triển NN CNC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định : “ NN CNC bao gồm những nội dung vận dụng cơ giới hóa, tự động hóa, áp dụng công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế lớn trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ ”
1 – Phát triển và ứng dụng Công nghệ cao vào Nông nghiệp :
Phát triển nông nghiệp CNC ( NN CNC ) là chiến lược quốc gia được hỗ trợ bởi các chính sách tổng thể theo vùng. Từ quyết định 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2018 cả nước đã có 4 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC ( NN ƯD CNC ) với 2 vùng trồng trọt và 2 vùng thủy sản. Khu NN ƯD CNC là nơi qui tụ sản phẩm nổi trội về phẩm chất và thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Riêng thành phố Hà nội đến năm 2019 đã có 133 mô hình ứng dụng NN CNC trong các trang trại sản xuất nông nghiệp, giống rau hoa quả và nuôi trồng thủy sản( Bộ KH& CN 2019) .
CNC ứng dụng vào nông nghiệp phổ biến là lai tạo giống cây trồng và vật nuôi, nuôi cấy mô, trồng cây trong nhà màng nhà lưới, trồng cây thủy canh, khí canh và trên giá thể, tưới nhỏ giọt, sử dụng các chế phẩm sinh học,…. Ứng dụng CNC giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, giảm công lao động, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, kịp thời phát hiện rủi ro để xử lý, giảm chi phí sản xuất và thất thoát sau thu hoạch . CNC trong nông nghiệp ngày càng được mở rộng với những hệ thống nhà màng, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động. Việc trồng cây có giá trị kinh tế cao trong nhà màng nhà lưới đã đạt doanh thu tới 3 – 4 tỷ đồng/ha/năm . Tính đến năm 2019, ước tính trong cả nước có khoảng 520.000 ha cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên tất cả các vùng miền ( VASS - 2021 )
Trong chăn nuôi ứng dụng CNC, nhiều địa phương đã cơ cấu lại vùng theo hướng chuyển từ chăn nuôi phân tán sang qui mô lớn, sản xuất theo chuỗi với chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với mô hình truyền thống, chi phí 1 đơn vị sản phẩm của mô hình nuôi CNC giảm 12%, tăng số lứa nuôi từ 4 lên 5 lứa /năm và tỷ lệ gà xuất chuồng tăng 7%. Đối với tôm thẻ và tôm sú thương phẩm, năng suất đạt 160 – 180 tấn/ha/năm đối với tôm thẻ và 30 tấn/ha/năm đối với tôm sú . Lợi nhuận đạt tới 1,4 – 1,5 tỷ đồng/ha đối với tôm thẻ và từ 1,8 – 2,0 tỷ dồng/ha đối với tôm sú. ( VASS - 2021 )
Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc sử dụng công nghệ tiến bộ và tự động hóa đã tạo nhiều thành tựu trong nông nghiệp. Sử dụng ICT thúc đẩy phát triển sản phẩm sinh học và sản phẩm hữu cơ, xúc tiến thương mại nông sản chất lượng cao và hàng loạt chiến lược khác cả về qui cách đóng gói, qui định kích cỡ sản phẩm hay định giá nông sản . Công nghệ IoT và BigData được vận dụng để xây dựng những phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, loại cây trồng và các giai đoạn sinh trưởng trong lĩnh vực trồng trọt. Người sản xuất có thể theo dõi các thông số này theo thời gian thực, hoặc điều chỉnh yếu tố đầu vào của sản xuất như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng cho cây trồng thông qua hệ thống chip cảm biến. Đã có nhiều nông dân quản lý việc tưới tiêu nước, bón phân trên điện thoại thông minh, bằng các giải pháp IoT hoặc sử dụng quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sử dụng nền tảng blockchain trong chuỗi giá trị nông sản . Trong chăn nuôi, công nghệ số đã được vận dụng trong những trang trại qui mô vừa và lớn để quản lý hoạt động chăn nuôi, theo dõi tình trạng sức khỏe, giám sát dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc. Đối với thủy sản, IoT được ứng dụng để đo lường, theo dõi, giám sát chất lượng nước tự động, đo độ mặn của nước, biết được thời điểm xâm nhập mặn, quản lý thức ăn và sức khỏe của vật nuôi thủy sinh . Việc sử dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giải quyết khâu lao động nặng nhọc, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất lao động và giảm tổn thất sau thu hoạch . Các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh được sử dụng đã góp phần lớn vào việc cải tạo, nâng cao chất lượng đất, bảo vệ cây trồng và môi trường sinh thái đồng ruộng . 2 – Nông nghiệp đô thị Hà nội và những vấn đề đặt ra :Hà nội có diện tích 3.358,6 km2, với dân số 8,25 triệu người ( niên giám thống kê năm 2020 ) nên mức tiêu thụ nông sản thực phẩm hàng tháng của thành phố đã lên tới trên 300 nghìn tấn với chừng 103 nghìn tấn rau củ quả, 93 nghìn tấn gạo, 25 nghìn tấn thịt, 5,1 nghìn tấn thủy hải sản, 5 nghìn tấn thịt chế biến từ gia súc, gia cầm. Với nhu cầu này, sản xuất nông nghiệp Thủ đô mới tự đáp ứng được 30% về gạo, 55% về rau củ quả và 3% về thủy hải sản . Phần lớn lượng thiếu hụt phải nhờ vào sự chi viện của các địa phương trong cả nước. Từ đây, nhiệm vụ đặt ra đối với nông nghiệp Thủ đô còn rất nặng nề . Cùng với phát triển nông nghiệp CNC để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm chất lượng cao thì vấn đề lớn đặt ra trong quá trình phát triển Thủ đô là Nông nghiệp đô thị .
Nông nghiệp đô thị là một thuật ngữ nhiều nghĩa. Đối với các nhà nông học nhiệt đới, đó là một nền nông nghiệp đan xen, sử dụng đất trống trong thành phố để sản xuất tự cung, tự cấp một phần lương thực thực phẩm. Ở những nước phát triển, nông nghiệp đô thị được dùng để chỉ các vườn cây trong gia đình và hệ thống cây trồng trong không gian xanh đô thị. Trong các quốc gia phát triển, vai trò xã hội của nông nghiệp đô thị mang ý nghĩa lớn, thể hiện rõ trong quan hệ giữa người dân với cộng đồng, với không gian xanh chung và hoạt động nông nghiệp . Theo UNDP, nông nghiệp đô thị ( NNĐT ) là hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp dựa trên quỹ đất và nguồn nước ở đô thị và vùng ngoại vi, ứng dụng các phương pháp sản xuất chuyên canh, các nguồn nguyên liệu tự nhiên và chất thải trong lòng đô thị để đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị. NNĐT được tính đến trong hoạt động kinh tế của các hộ gia đình để tạo thêm thu nhập, NNĐT không chỉ liên quan thuần túy đến thực phẩm mà còn đem lại sự phát triển bền vững, nhất là cải thiện môi trường xanh trong thành phố. Đặc điểm của nông nghiệp ven đô được thể hiện ở hệ thống sản xuất, trong mối quan hệ mua bán, tiêu thụ sản phẩm với đô thị. Nhà nông ven đô có xu hướng chuyên môn hóa sản xuất và bảo quản sản phẩm tươi sống với những vành đai rau xanh, vườn cây ăn trái và những thửa ruộng chuyên canh được mở mang trong quá trình công nghiệp hóa. Ngoài cung ứng thực phẩm cho nội đô, nông nghiệp ngoại vi còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, thu hồi phần lớn chất thải thành phố bao gồm cả nước đã qua sử dụng. NNĐT đã không tách rời mà còn nuôi dưỡng, làm cho thành phố xanh hơn, sạch hơn. NNĐT thực hiện các hệ thống sản xuất gắn với điều kiện sinh thái, rau xanh và thực phẩm trên thị trường hay trong trang trại đều mở ra xu hướng nông nghiệp ngoại vi hướng về trung tâm thành phố, được cho là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp phát triển trong quá trình đô thị hóa.
Trong các mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn thành phố, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với thực tế mang lại hiệu quả thiết thực đã khẳng định vị thế quan trọng trong việc phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Hàng trăm trang trại sản xuất rau củ quả, cây, con giống, hoa quả và trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã thu được hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng CNC vào sản xuất . Theo đó mô hình khép kín từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện ở nhiều trang trại và trong các nông hộ. Điển hình là mô hình thực hiện ở trang trại Hoa viên ( huyện Thạch Thất ) đã đưa lượng xuất trại hàng tháng lên trên 1000 con lợn thịt, từ 500 – 1000 lợn giống mang lại doanh thu trên 100 tỷ đồng trên năm. Nhiều mô hình chăn nuôi từ 15 nghìn – 25 nghìn gà siêu trứng với 18 – 30 lò ấp có công suất 2 vạn trứng/mẻ/lò được cơ giới hóa, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu gà giống và trên 10 nghìn gà thương phẩm, đã được mở ra trong nhiều xã thuộc huyện Đông Anh. Mô hình trồng dưa vàng Kim vương 5SAO trong nhà màng CNC theo tiêu chuẩn VietGAP của Nông trại Phúc Bách tại xã Phù lưu, huyện Ứng Hòa có ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng quét mã QR và hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm tới các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong nội đô thông qua Công ty Hạt giống và Nông sản Năm Sao đã giúp nông dân yên tâm ổn định sản xuất và tăng cao thu nhập . Mô hình sử dụng giống mới và các chế phẩm sinh học, hữu cơ vi sinh trong sản xuất rau Hữu cơ PGS và chế biến thành bột rau dinh dưỡng các loại để cung cấp tới các trường học, siêu thị, dân cư đô thị theo dự án “ FoodEco “ ( dự án được hỗ trợ bởi tổ chức quốc tế Rikilto tại VN ) của HTX Rau quả an toàn Hồng Hà ( xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) liên kết với Công ty Hạt giống và Nông sản Năm Sao đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Những mô hình liên kết thâm canh lúa bằng công nghệ tiên tiến, đồng bộ từ sản xuất giống, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch làm khô lúa tươi bằng máy trên diện tích hàng nghìn héc-ta được các doanh nghiệp trực tiếp bao tiêu đã thực hiện tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa,… Mô hình nuôi cá ứng dụng CNC với hệ thống tạo dòng chảy sục khí trong sông, ao để nuôi cá mật độ cao, năng suất tới 80 tấn/ha, đạt giá trị trên 3,5 tỷ/ha và lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha đã xuất hiện ở nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa,… Công ty suất nhập khẩu Kinoco (huyện Mỹ Đức) là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao Nhật Bản, hàng tháng công ty đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 40 tấn sản phẩm, tạo doanh thu trên 15 tỷ đồng.
Trong liên kết sản xuất, thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình ở các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào các chuỗi rau, lúa hàng hóa chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với trên 3810 trang trại lớn ngoài khu dân cư ở 76 xã chăn nuôi, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và 30 cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp. Chuỗi sản phẩm đã chủ động hoàn toàn trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nên đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng, yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý tới người tiêu dùng nội đô.
Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện KT-XH để phát triển NNƯDCNC. Ở đây có nhiều Viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu, các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư. Ngoài ra còn tập trung đông đảo tổ chức tài chính, ngân hàng mạnh và các tổ chức quốc tế. Mặc dù điều kiện khách quan thuận lợi, song tỷ lệ ứng dụng CNC trong nông nghiệp Thủ đô đang còn hạn chế, mới có trên 1120 ha (chiếm 9,4% tổng diện tích) cây ăn quả có ứng dụng CNC, chỉ có 0,75% diện tích sản xuất rau có nhà lưới. Gần đây ngành nông nghiệp thành phố đã hướng mạnh vào xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, nhưng nhiều nội dung về sản xuất giống, vật tư, thiết bị dường như còn để ngỏ, buộc các doanh nghiệp và các nhà sản xuất kinh doanh nông sản phải chủ động tìm giải pháp tiếp cận lẫn nhau .
Làm rõ nguyên nhân hạn chế, giới phân tích cho rằng : Năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế, người sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu còn làm theo cách truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, CNC gặp nhiều khó khăn về vốn và kĩ năng ứng dụng vận hành công nghệ . Doanh nghiệp NN ƯD CNC được coi là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trên địa bàn thành phố còn quá ít. Mặt khác, lãnh đạo thành phố chưa có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp CNC đủ lớn để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Thực tế sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và phân tán đang là cản trở khiến các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung chậm triển khai hoặc thiếu ổn định. Cùng với hạn chế này, sự thiếu phối kết hợp, gắn kết giữa nông dân với thương lái và các tổ chức quản lí nhà nước cũng là nguyên nhân khiến việc vận dụng chủ trương chính sách gặp khó khăn, chưa phát huy được đầy đủ chức năng của các thành phần kinh tế tham gia.
3 – Định hướng phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô
Nhìn nhận về phát triển nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn tới, giới phân tích cho rằng, từ mục tiêu phát triển đến năm 2030 và trong tầm nhìn tới năm 2050, với vị trí là trung tâm phát triển của nông nghiệp vùng và cả nước, nông nghiệp Thủ đô phải gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cần tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị để mở mang phát triển. Trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNC chúng ta cần :
- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ cao và có thế mạnh của Thủ đô.
- Ứng dụng công nghệ để tạo ra và nhân nhanh các giống mới, phát triển giống cây hoặc con giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với qui trình thâm canh, tăng vụ và sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng khi đưa vào sản xuất diện rộng
- Tạo ra các chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng, vật nuôi và cân bằng môi trường sinh thái
- Phát triển các quy trình công nghệ thâm canh tổng hợp và tự động hóa trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, có hiệu quả kinh tế cao.
- Cần mở rộng hoạt động nghiên cứu, chế tạo nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hái và chế biến bảo quản sau thu hoạch .
- Xúc tiến thương mại nông sản thực phẩm có kiểm soát bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Theo nhiều phân tích có thể thấy, để giữ được tốc độ tăng trưởng như mong đợi cần hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, đặc biệt là trong nông nghiệp. Muốn vậy, cần phải tận dụng mọi thời cơ để thúc đẩy KH & CN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH-HDH đất nước.
4 – Một số gợi ý về phát triển nông nghiệp đô thị Hà Nội.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, nông nghiệp đô thị phải sử dụng hết diện tích đất có thể khai thác nhằm thiết lập một không gian Xanh bền vững trong nội đô và vùng sản xuất nông nghiệp vững chắc ở gần thành phố . Mặt khác sự phát triển của nông nghiệp đô thị phải hướng vào cải thiên đời sống thị dân thông qua chất lượng môi trường tốt hơn, truyền bá được giá trị văn hóa về cảnh quan cây xanh, giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái và tạo các khu vui chơi giải trí, khu trải nghiệm nghề làm vườn . Phát triển NNĐT cần được lồng ghép trong những đề án liên quan đến giáo dục nông nghiệp và bảo vệ môi trường .
Ở nước ta, các vùng nông thôn đã tham gia tích cực vào đời sống đô thị, đã có không ít làng quê từng nằm đan xen trong lòng đô thị, tạo nên cho Hà Nội một cấu trúc hài hòa. Các làng của Hà Nội không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn là chốn đi về nghỉ ngơi thư giãn cho cư dân nội đô . Có thể nói ao, hồ đầm ngoại vi và các làng ngoại vi đã từng là khu vực chuyển hóa, bảo vệ môi trường trong sạch của thành phố. Gần đây, trong các chương trình phát triển nông nghiệp CNH-HĐH, các cấp lãnh đạo Hà Nội đã coi đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những trọng tâm. Đây là một chủ trương đúng đắn để Hà Nội không bị mất đi những cảnh quan và môi trường sinh thái. Chương trình xây dựng nông nghiệp đô thị của thủ đô đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Thành phố Hà Nội cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy các tác động tích cực của nông nghiệp 4.0 , đổi mới đầu tư công và dịch vụ công theo hướng chuyển nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất đai, lao động phổ thông sang nông nghiệp CNC, đổi mới sáng tạo trong sản xuất và quản trị tốt chuỗi giá trị nông sản thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ ; Cần khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới, tích hợp các xu hướng và thành tựu của CMCN 4.0 vào nội dung chương trình giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp để có lực lượng lao động có khả năng tiếp cận, phát triển và ứng dụng được các thành quả nền nông nghiệp 4.0 ; Cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối với đội ngũ lao động nông nghiệp hiện hành để đáp ứng được yêu cầu áp dụng các thành quả của nông nghiệp 4.0 ; Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp tín dụng cho nông dân, các doanh nghiệp, trang trại trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi nông sản thực phẩm .
Công ty TNHH Hạt giống và Nông sản Năm Sao ( https://nongsan5sao.com ) là một hội viên của Hội làm vườn thành phố Hà Nội, thành viên của Hợp tác xã Rau quả an toàn Hồng Hà, thành viên BCN của Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo ngành Rau Hoa Quả Việt Nam , đơn vị chủ chốt thực hiện các dự án của Viện Nghiên cứu phát triển Nông thôn và Miền núi, vừa là nhà cung cấp nông sản chất lượng cao cho các Siêu thị, cửa hàng TPS trong nội đô đã, đang và sẽ tiếp tục mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng các cá nhân, tập thể quan tâm đến ứng dụng CNC, công nghệ sinh học vào sản xuất Nông nghiệp và tiêu thụ nông sản thực phẩm .