Trang chủ / Góc chia sẻ / Để giữ hoa cắm bình tươi đẹp lâu hơn

Để giữ hoa cắm bình tươi đẹp lâu hơn


Trong dịp tết, ngoài đào, mai, quất ra thì rất nhiều gia đình đều sử dụng hoa cắm bình để trang trí cho không gian ngôi nhà của mình … Việc cắm hoa chơi tết không chỉ là thú vui mà còn là cơ hội để gia chủ sáng tạo với phối màu sắc, hình khối, kết cấu, khoe khả năng và hiểu biết về cắm hoa của gia chủ, mang lại niềm vui và yêu thích cho người ngắm hoa.

Tuy nhiên, không nhiều người biết cách chọn loài hoa nào và làm thế nào để hoa cắm bình luôn tươi, lâu héo tàn và để ngắm được nhiều ngày hơn.

Một điều ít người nói đến là sau khi bị cắt rời khỏi cây mẹ, cành hoa vẫn “sống” nhờ dinh dưỡng dự trữ sẵn trong cành, dinh dưỡng do người chơi hoa bổ sung và lá cây vẫn tiếp tục quang hợp. Thậm chí, một số loài hoa còn có khả năng ra rễ dù đã được cắt khỏi cây để chuẩn bị cho cuộc sống mới.

Việc chơi hoa không chỉ là thú vui thông thường mà còn giúp cải thiện tâm trạng của cả khách và gia chủ. Các nhà nghiên cứu tâm lý còn phát hiện thấy ngắm hoa có tác động tức thời và lâu dài đến phản ứng cảm xúc theo hướng tích cực, cải thiện tâm trạng, hành vi xã hội và thậm chí cả trí nhớ đối với cả nam và nữ.
Một số lưu ý, mong các bạn quan tâm là:

    • Tùy không gian nhà và vị trí đặt cây, mục đích chủ nhà mong muốn khi chơi hoa tết, khả năng tài chính, thời gian cần để hoa tươi mà gia chủ hãy chọn loài hoa phù hợp. Một số loài hoa có thời gian tươi lâu, đẹp và chậm tàn như: Hoa bất tử, hoa lan, cúc đại đóa, cẩm chướng, hoa lily…
    • Việc lựa chọn dụng cụ để cắm hoa: Lọ, giỏ, bình và loại vật liệu như gốm sứ, thủy tinh, mây tre (gọi tắt là bình hoa) tùy thuốc vào ý đồ nghệ thuật hay do có sẵn của gia chủ, cả hình dáng, kích thước, trang trí trên bình… phù hợp với loài hoa, với không gian cần trang trí cũng ảnh hưởng đáng kể đến vẻ đẹp và tuổi thọ của những bông hoa của bạn.
    • Khi chọn mua, chú ý tránh nhầm lẫn hoa mới cắt với hoa đã được bảo quản lâu trong tủ lạnh để có biện pháp phù hợp. Nên chọn những cành hoa mới cắt, cành thẳng, thân cứng, lá có màu xanh đậm, không có lá héo úa kết hợp với xem vết cắt cũ hay mới (vết cắt có dấu hiệu thâm đen, đàn hồi của hoa kém khi bóp nhẹ…). Chọn mua hoa tươi cắt cành còn nhiều nụ, chưa nở bung quá mức.
    • Sau khi mua về, nên ngâm ngay cành hoa vào nước trong khi chuẩn bị bình, dọn dẹp nơi dự định đặt. Nên ngâm ngập thân cành (gần ngập đến đầu hoa) ít nhất 2 tiếng hoặc qua đêm ở nơi mát, tối, đủ ẩm, dịch ngâm có thể bổ sung dinh dưỡng để dưỡng hoa.
    • Rửa và khử trùng bình bằng nước tẩy rửa chén bát để bình hoa sạch sẽ. Chuyển hoa ra chậu có nước ấm khoảng 15 phút để hoa hút no nước và tùy độ dài cành cần cắm để cắt. Cắt tỉa cành hoa sao cho không có lá bị ngập trong nước trong bình hoa, loại bỏ các đoạn cành lá bị dập, hư hại… Chú ý sử dụng dụng cụ cắt phải sắc (cần rửa sạch và khử trùng), nên ít nhất cắt 2-3 cm khi phần cắt ngập trong nước, nên cắt nghiêng 45 độ để vết cắt có diện tích bề mặt tiếp xúc với nước lớn, hạn chế cành bị áp sát vào đáy bình và khó hút nước. Sau đó, chuyển nhanh vào bình hoa để tránh không khí lọt vào mạch dẫn ngăn chặn quá trình cành hoa hút nước. Cũng không nên tham cắm quá nhiều hoa trong 1 bình để bảo đảm thông khí lưu thông dễ dàng, cung cấp oxy cho hoa.
    • Với hoa cành ngắn, mềm hoặc do tạo dáng, có thể sử dụng xốp là giá đỡ khi cắm hoa hoặc băng dính để cố định cành hoa.
    • Tùy loài hoa và không gian khu vực đặt hoa, vào ý đồ nghệ thuật của gia chủ mà có thể lựa chọn dáng, thế khi cắm hoa; Dạng kim tự tháp, dạng mái vòm, dạng lưỡi liềm, dạng đối xứng ngang, dạng chữ T, chữ L, dạng rẻ quạt, tam giác, bầu dục.
    • Không nên sử dụng quá nhiều màu sắc cho 1 bình hoa, nên ít hơn 3 màu là vừa đủ đẹp và đơn giản. Nên chọn các màu sắc tương đồng giữa các loại hoa và phối màu sao cho đẹp và hợp lý, ví dụ như đỏ – trắng, hồng – tím, vàng – lục…
    • Nên bổ sung một số chất có khả năng diệt nấm, vi khuẩn gây hại để giữ nước trong bình hoa không bị nhiễm khuẩn, gây nhớt và có mùi xấu. Có thể lựa chọn một trong những chất như: nước rửa chén, viên aspirin (thuốc chữa cảm cúm), dấm, nước cốt chanh, rượu…
    • Bổ sung một số dưỡng chất cần để giữ hoa tươi lâu như: B1, đường, tuýp thuốc dưỡng hoa có sẵn, nước soda thừa…
    • Đặt bình hoa nơi thoáng, mát, nhiều ánh sáng. Không đặt bình hoa cạnh những vật phát nhiệt như TV, điều hòa, trực tiếp bị ánh nắng gắt chiếu vào… hoặc những nơi có gió mạnh như dưới quạt… Nên chuyển bình hoa vào khu vực có khí hậu mát trong nhà về đêm để bảo quản.
    • Không nên đặt bình hoa nơi có hoa quả khác đang chín vì ethylen thải ra từ quá trình quả chín sẽ nhanh làm cho hoa bị héo.
    • Với những loài hoa lộ nhị như loa kèn, hoa ly… nên ngắt bỏ ngay nhị đực để giữ hoa tươi lâu hơn.
    • Thường xuyên kiểm tra nước trong bình hoa hàng ngày và thay nước mới khi nước cũ có mùi, chuyển màu, nhớt… Cắt bỏ phần gốc cành khoảng 1-2 cm, phần thân cành bị mục, thối rữa khi thay nước và vệ sinh sạch sẽ bình hoa. Có thể sử dụng nước ấm để hoa nhanh “hồi sinh” và kích thích hoa mau nở. Nước trong bình càng sạch, thời gian chơi hoa càng kéo dài.
    • Kiểm tra và loại bỏ các lá héo, hoa tàn… để tăng thẩm mỹ cho bình hoa và giúp bình hoa tươi lâu hơn, đẹp hơn.