Trang chủ / Hướng dẫn Kỹ thuật và chuyển giao Công nghệ / TÀI LIỆU TẬP HUẤN SẢN XUẤT VÀ GIÁM SÁT RAU AN TOÀN THEO TIÊU CHUẨN VietGAP

TÀI LIỆU TẬP HUẤN SẢN XUẤT VÀ GIÁM SÁT RAU AN TOÀN THEO TIÊU CHUẨN VietGAP


TÀI LIỆU

TẬP HUẤN SẢN XUẤT VÀ GIÁM SÁT RAU AN TOÀN

THEO TIÊU CHUẨN VietGAP

I. QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT TRONG SẢN XUẤT RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM (VietGAP)

1. Những văn bản pháp lý hiện thời về quản lý và sản xuất rau an toàn ở Việt Nam

1.1. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ. Quyết định số 107  /2008/QĐ-TTg ngày 30/07/2008  Về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến 2015.         

1.2. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2007), Quyết định số 04/ 2007/QĐ-BNN ngày 19/01/2007 về quản lý sản xuất rau an toàn.

1.3. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2007), Quyết định số 106/ 2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007 Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn.

1.4. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2008), Quyết định số 379 /QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 về Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

1.5. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2008), Quyết định 84/2008/QĐ-BNN ngày 28/7/2008 Quy chế chứng nhận Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau, quả và chè an toàn.

1.6. Bộ Nông nghiệp và PTNT (2011), Thông tư số 17/2011/TT-BNNPTNT, Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực trồng trọt theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15/12/2010.

2. Giải thích từ ngữ

- VietGAP là tên viết tắt của các chữ cái tiếng Anh (Vietnamese Good Agricutural Practices), có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, là những nguyên tắc, thủ tục, trình tự hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. 

- VietGAP cho rau quả tươi an toàn dựa trên ASEANGAP, GLOBALGAP, FRESHCARE nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả tươi của Việt Nam tham gia thị trường khu vực Đông nam châu Á và thế giới, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

- Tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm rau, quả an toàn theo Viet GAP.

3. Nội dung quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho sản xuất rau, quả an toàn của Việt Nam (Viet GAP).

3.1. Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất

- Vùng sản xuất rau, quả áp dụng theo VietGAP phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với qui định hiện hành của nhà nước đối với các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý lên rau, quả. Trong trường hợp không đáp ứng các điều kiện thì phải có đủ cơ sở chứng minh có thể khắc phục được hoặc làm giảm các nguy cơ tiềm ẩn.

- Vùng sản xuất rau, quả có mối nguy cơ ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý cao và không thể khắc phục thì không được sản xuất theo VietGAP.

3.2. Giống và gốc ghép 

Giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất.

          - Giống và gốc ghép tự sản xuất phải có hồ sơ ghi lại đầy đủ các biện pháp xử lý hạt giống, xử lý cây con, hóa chất sử dụng, thời gian, tên người xử lý và mục đích xử lý.

         Trong trường hợp giống và gốc ghép không tự sản xuất phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý giống, gốc ghép (nếu có).

3.3. Quản lý đất và giá thể 

          - Hàng năm, phải tiến hành phân tích, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất và giá thể theo tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước.

          - Cần có biện pháp chống xói mòn và thoái hóa đất. Các biện pháp này phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ.

          - Khi cần thiết phải xử lý các nguy cơ tiềm ẩn từ đất và giá thể, tổ chức và cá nhân sản xuất phải được sự tư vấn của nhà chuyên môn và phải ghi chép và lưu trong hồ sơ các biện pháp xử lý.

          -  Không được chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước trong vùng sản xuất. Nếu bắt buộc phải chăn nuôi thì phải có chuồng trại và có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm sau khi thu hoạch.

3.4. Phân bón và chất phụ gia

          - Từng vụ phải đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón và chất phụ gia, ghi chép và lưu trong hồ sơ. Nếu xác định có nguy cơ ô nhiễm trong việc sử dụng phân bón hay chất phụ gia, cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm lên rau, quả.

- Lựa chọn phân bón và các chất phụ gia nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm lên rau, quả.  Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (phải ủ hoai mục). Trong trường hợp phân hữu cơ được xử lý tại chỗ, phải ghi lại thời gian và phương pháp xử lý. Trường hợp không tự sản xuất phân hữu cơ, phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý. 

- Các dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh và phải được bảo dưỡng thường xuyên.  

- Nơi chứa phân bón hay khu vực để trang thiết bị phục vụ phối trộn và đóng gói phân bón, chất phụ gia cần phải được xây dựng và bảo dưỡng để đảm bảo giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước.

-  Lưu giữ hồ sơ phân bón và chất phụ gia khi mua (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian và số lượng mua).

- Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón và chất phụ gia (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón phân và tên người bón).

3.5. Nước tưới.

- Nước tưới cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch rau, quả phải đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng.

- Việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá chất và sinh học từ nguồn nước sử dụng cho: tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cho bảo quản, chế biến, xử lý sản phẩm, làm sạch và vệ sinh, phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ.  

- Trường hợp nước của vùng sản xuất không đạt tiêu chuẩn, phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã xử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp xử lý, kết quả kiểm tra và lưu trong hồ sơ.

-  Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất và xử lý sau thu hoạch. 

3.6. Hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật).

- Người lao động và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động phải được tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp sử dụng bảo đảm an toàn. 

- Trường hợp cần lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật và chất điều hòa sinh trưởng cho phù hợp, cần có ý kiến của người có chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ thực vật. 

- Nên áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Chỉ được phép mua thuốc bảo vệ thực vật từ các cửa hàng được phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại rau, quả tại Việt Nam.

- Phải sử dụng hoá chất đúng theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa hoặc hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất và sản phẩm. 

-  Thời gian cách ly phải đảm bảo theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ghi trên nhãn hàng hóa.

- Các hỗn hợp hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật dùng không hết cần được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường. 

- Sau mỗi lần phun thuốc, dụng cụ phải vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra. Nước rửa dụng cụ cần được xử lý tránh làm ô nhiễm môi trường. 

- Kho chứa hoá chất phải đảm bảo theo quy định, xây dựng ở nơi thoáng mát, an toàn, có nội quy và được khóa cẩn thận. Phải có bảng hướng dẫn và thiết bị sơ cứu. Chỉ những người có trách nhiệm mới được vào kho.    

- Không để thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng trên giá phía trên các thuốc dạng bột.

- Hoá chất cần giữ nguyên trong bao bì, thùng chứa chuyên dụng với nhãn mác rõ ràng. Nếu đổi hoá chất sang bao bì, thùng chứa khác, phải ghi rõ đầy đủ tên hoá chất, hướng dẫn sử dụng như bao bì, thùng chứa hóa chất gốc.

- Các hoá chất hết hạn sử dụng hoặc đã bị cấm sử dụng phải ghi rõ trong sổ sách theo dõi và lưu giữ nơi an toàn cho đến khi xử lý theo qui định của nhà nước

- Ghi chép các hoá chất đã sử dụng cho từng vụ (tên hoá chất, lý do, vùng sản xuất, thời gian, liều lượng, phương pháp, thời gian cách ly và tên người sử dụng). 

- Lưu giữ hồ sơ các hóa chất khi mua và khi sử dụng (tên hóa chất, người bán, thời gian mua, số lượng, hạn sử dụng, ngày sản xuất, ngày sử dụng).

- Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa hoá chất. Những vỏ bao bì, thùng chứa phải thu gom và cất giữ ở nơi an toàn cho đến khi xử lý theo qui định của nhà nước.

- Nếu phát hiện dư lượng hoá chất trong rau quả vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán sản phẩm, xác định nguyên nhân ô nhiễm và nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm. Phải ghi chép cụ thể trong hồ sơ lưu trữ.

- Các loại nhiên liệu, xăng, dầu và hoá chất khác cần được lưu trữ riêng nhằm hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm lên rau, quả.

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện qui trình sản xuất và dư lượng hoá chất có trong rau, quả theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Các chỉ tiêu phân tích phải tiến hành tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

3.7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

       *Thiết bị, vật tư và đồ chứa 

 Sản phẩm sau khi thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất và hạn chế để qua đêm.

- Thiết bị, thùng chứa hay vật tư tiếp xúc trực tiếp với rau, quả phải được làm từ các nguyên liệu không gây ô nhiễm lên sản phẩm.

- Thiết bị, thùng chứa hay vật tư phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.  

- Thùng đựng phế thải, hoá chất bảo vệ thực vật và các chất nguy hiểm khác phải được đánh dấu rõ ràng và không dùng chung để đựng sản phẩm.

- Thường xuyên kiểm tra và bảo trì thiết bị, dụng cụ nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm.

- Thiết bị, thùng chứa rau, quả thu hoạch và vật liệu đóng gói phải cất giữ riêng biệt, cách ly với kho chứa hóa chất, phân bón và chất phụ gia và có các biện pháp hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm.

* Phòng chống dịch hại 

- Phải cách ly gia súc và gia cầm khỏi khu vực sơ chế, đóng gói và bảo quản rau, quả.

- Phải có các biện pháp ngăn chặn các sinh vật lây nhiễm vào các khu vực sơ chế, đóng gói và bảo quản.

- Phải đặt đúng chỗ bả và bẫy để phòng trừ dịch hại và đảm bảo không làm ô nhiễm rau, quả, thùng chứa và vật liệu đóng gói. Phải ghi chú rõ ràng vị trí đặt bả và bẫy.

*Vệ sinh cá nhân

- Người lao động cần được tập huấn kiến thức và cung cấp tài liệu cần thiết về thực hành vệ sinh cá nhân và phải được ghi trong hồ sơ.

- Nội qui vệ sinh cá nhân phải được đặt tại các địa điểm dễ thấy.

- Cần có nhà vệ sinh và trang thiết bị cần thiết ở nhà vệ sinh và duy trì đảm bảo điều kiện vệ sinh cho người lao động.

- Chất thải của nhà vệ sinh phải được xử lý.

          *Xử lý sản phẩm

- Chỉ sử dụng các loại hoá chất, chế phẩm, màng sáp cho phép trong quá trình xử lý sau thu hoạch. 

- Nước sử dụng cho xử lý rau, quả sau thu hoạch phải đảm bảo chất lượng theo qui định.

          *Bảo quản và vận chuyển

- Phương tiện vận chuyển phải được làm sạch trước khi xếp thùng chứa sản phẩm.

- Không bảo quản và vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm.

- Phải thường xuyên khử trùng kho bảo quản và phương tiện vận chuyển.

3.8. Quản lý và xử lý chất thải

- Phải có biện pháp quản lý và xử lý chất thải, nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sơ chế và bảo quản sản phẩm. 

3.9. Người lao động 

* An toàn lao động 

- Người được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng hoá chất phải có kiến thức và kỹ năng về hóa chất và kỹ năng ghi chép.

- Tổ chức và cá nhân sản xuất phải cung cấp trang thiết bị và áp dụng các biện pháp sơ cứu cần thiết và đưa đến bệnh viện gần nhất khi người lao động bị nhiễm hóa chất.

- Phải có tài liệu hướng dẫn các bước sơ cứu và có bảng hướng dẫn tại kho chứa hoá chất.

- Người được giao nhiệm vụ xử lý và sử dụng hoá chất hoặc tiếp cận các vùng mới phun thuốc phải được trang bị quần áo bảo hộ và thiết bị phun thuốc. 

- Quần áo bảo hộ lao động phải được giặt sạch và không được để chung với thuốc bảo vệ thực vật.

- Phải có biển cảnh báo vùng sản xuất rau, quả vừa mới được phun thuốc.

*Điều kiện làm việc

Nhà làm việc thoáng mát, mật độ người làm việc hợp lý.

- Điều kiện làm việc phải đảm bảo và phù hợp với sức khỏe người lao động. Người lao động phải được cung cấp quần áo bảo hộ.

Các phương tiện, trang thiết bị, công cụ (các thiết bị điện và cơ khí) phải thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng nhằm tránh rủi ro gây tai nạn cho người sử dụng.

Phải có quy trình thao tác an toàn nhằm hạn chế tối đa rủi ro do di chuyển hoặc nâng vác các vật nặng.

*Phúc lợi xã hội của người lao động

- Tuổi lao động phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam

- Khu nhà ở cho người lao động phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt và có những thiết bị, dịch vụ cơ bản.

 - Lương, thù lao cho người lao động phải hợp lý, phù hợp với Luật Lao động của Việt Nam.

*Đào tạo

- Trước khi làm việc, người lao động phải được thông báo về những nguy 

cơ liên quan đến sức khoẻ và điều kiện an toàn.

- Người lao động phải được tập huấn công việc trong các lĩnh vực dưới đây:

- Phương pháp sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ.

- Các hướng dẫn sơ cứu tai nạn lao động.

- Sử dụng an toàn các hoá chất, vệ sinh cá nhân.

3.10. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm

- Tổ chức và cá nhân sản xuất rau, quả theo VietGAP phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về bảo vệ thực vật, phân bón, bán sản phẩm, v.v. 

- Tổ chức và cá nhân sản xuất theo VietGAP phải tự kiểm tra hoặc thuê kiểm tra viên kiểm tra nội bộ xem việc thực hiện sản xuất, ghi chép và lưu trữ hồ sơ đã đạt yêu cầu chưa. Nếu chưa đạt yêu cầu thì phải có biện pháp khắc phục và phải được lưu trong hồ sơ.

- Hồ sơ phải được thiết lập cho từng chi tiết trong các khâu thực hành VietGAP và được lưu giữ tại cơ sở sản xuất.

- Hồ sơ phải được lưu trữ ít nhất hai năm hoặc lâu hơn nếu có yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan quản lý.

- Sản phẩm sản xuất theo VietGAP phải được ghi rõ vị trí và mã số của lô sản xuất. Vị trí và mã số của lô sản xuất phải được lập hồ sơ và lưu trữ. 

- Bao bì, thùng chứa sản phẩm cần có nhãn mác để giúp việc truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng. 

- Mỗi khi xuất hàng, phải ghi chép rõ thời gian cung cấp, nơi nhận và lưu giữ hồ sơ cho từng lô sản phẩm.

- Khi phát hiện sản phẩm bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm, phải cách ly lô sản phẩm đó và ngừng phân phối. Nếu đã phân phối, phải thông báo ngay tới người tiêu dùng.

- Điều tra nguyên nhân ô nhiễm và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tái nhiễm, đồng thời có hồ sơ ghi lại nguy cơ và giải pháp xử lý.

3.11. Kiểm tra nội bộ

- Tổ chức và cá nhân sản xuất rau, quả phải tiến hành kiểm tra nội bộ ít nhất mỗi năm một lần. 

- Việc kiểm tra phải được thực hiện theo bảng kiểm tra đánh giá; sau khi kiểm tra xong, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc kiểm tra viên có nhiệm vụ ký vào bảng kiểm tra đánh giá. Bảng tự kiểm tra đánh giá, bảng kiểm tra (đột xuất và định kỳ) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải được lưu trong hồ sơ.

- Tổ chức và cá nhân sản xuất theo VietGAP phải tổng kết và báo cáo kết quả kiểm tra cho cơ quan quản lý chất lượng khi có yêu cầu.

3.12. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

- Tổ chức và cá nhân sản xuất theo VietGAP phải có sẵn mẫu đơn khiếu nại khi khách hàng có yêu cầu.

- Trong trường hợp có khiếu nại, tổ chức và cá nhân sản xuất theo VietGAP phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời lưu đơn khiếu nại và kết quả giải quyết vào hồ sơ.

4. Các vấn đề bức xúc nhất của xã hội trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP )

* Chỉ thị 06/2007/CT-TTg

1. Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp.

2. Tình trạng dư lượng hóa chất BVTV trong rau quả, dư lượng kim loại nặng, hoóc môn,  lượng VSV gây bệnh có trong rau quả.

3. Vấn đề VSATTP trong giết mổ Gia súc gia cầm.

4. Tình trạng nhập lậu thực phẩm qua biên giới.

     - Thực phẩm lậu giả, kém chất lượng ẩn chứa nguy cơ ô nhiễm.

5. Việc buôn bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên thị trường:

+ Thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm quá hạn.

+ Không kiểm soát được ATTP tại các chợ, các siêu thị.

+ Các cơ sở kinh doanh TP chưa được kiểm tra và cấp giấy phép đủ điều kiện.

*Ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường

- Theo báo cáo của Bộ Y tế (2007) trong những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người bị bệnh ung thư và có tới  1 nửa trong số đó (bằng dân số trung bình của 1 huyện) bị chết vì căn bệnh này. Một trong những nguyên nhân chính gây bệnh ung thư đó là do Rau, quả bị nhiễm độc (thuốc BVTV, NO3, kim loại nặng….)    

- Sử dụng thuốc BVTV tăng, lạm dụng thuốc BVTV (thuốc cấm, tăng số lần phun, tăng nồng độ, không đảm bảo thời gian cách ly).

II. TỔ CHỨC HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TRONG SẢN XUẤT RAU QUẢ AN TOÀN THEO GAP (MÔ HÌNH HTX VÀ NHÓM HỘ NÔNG DÂN) - XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIÁM SÁT VỮNG MẠNH

          1. Tổ chức hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất rau quả an toàn theo GAP

1.1. Mô hình HTX sản xuất Rau, Quả kiểu truyền thống

*Vai trò truyền thống

- Đại diện nhóm nông dân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

- Đôn đốc và nhắc nhở hộ nông dân thực hiện tốt hợp đồng tiêu thụ nông sản đã ký với doanh nghiệp.

- Gắn kết các nhà đầu tư vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu nông sản cho xã viên.

1.2. Mô hình HTX, nhóm sản xuất Rau, Quả theo GAP

* Vai trò mới

- Tổ chức nông dân sản xuất Rau, Quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao giá trị nông sản.

- Giám sát, đôn đốc nhắc nhở hộ nông dân tuân thủ các yêu cầu của VietGAP.

- Xây dựng và vận hành hệ thống Quản lý chất lượng theo VietGAP, nâng cao khả năng quản lý của HTX. 

2. Xây dựng hệ thống giám sát vững mạnh trong hệ thống quản lý chất lượng rau quả an toàn theo GAP

a/Các hình thức thanh tra giám sát

Tự giám sát thanh tra :

+ Hệ thống giám sát viên, thanh tra viên nội bộ.

+ Nông dân tự giám sát lẫn nhau

- Giám sát từ bên ngoài;

- Giám sát từ các cơ quan chứng nhận.

b/Phương pháp thanh tra, giám sát nội bộ

Các bước tiến hành

- Chuẩn bị biểu để kiểm tra.

- Kiểm tra thực tế sản xuất:

+ Kiểm tra sơ bộ.

+ Kiểm tra chính thức.

+ Lấy mẫu sản phẩm điển hình. Phân tích, đánh giá mẫu sản phẩm trong quá trình kiểm tra.

- Báo cáo đánh giá sự phù hợp và những điểm không phù hợp của quá trình sản xuất.

c/ Nông dân tự giám sát lẫn nhau 

- Mặc dù việc tham gia sản xuất theo VietGAP là tự nguyện và đã có Hợp đồng cam kết thực hiện nhưng trong số đông các hộ nông dân tham gia sản xuất theo VietGAP sẽ xuất hiện các hộ nông dân cá biệt.

- Cần tập trung giám sát, động viên, nhắc nhở lẫn nhau giữa các hộ nông dân này bằng nhiều hình thức.

- Nếu việc giám sát, động viên, nhắc nhở chưa mang lại kết quả, cần phát hành phiếu theo dõi.

III. NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM SẢN PHẨM RAU QUẢ

1. Khái niệm rau an toàn:  Rau an toàn là khái niệm xuất hiện ở nước ta trong thời gian gần đây trước tình hình một số sản phẩm rau xanh được tiêu thụ trên thị trường đã gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng. Mặc dù chưa được định nghĩa chính thức, khái niệm rau an toàn được một số tác giả đưa ra như sau:

- Sạch, hấp dẫn về hình thức: tươi, sạch bụi bẩn, tạp chất, thu đúng độ chín (khi có chất lượng cao nhất), không có triệu chứng bệnh, có bao bì vệ sinh hấp dẫn.

- Sạch, an toàn về chất lượng: khi sản phẩm rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng Nitrat, dư lượng kim loại nặng và lượng vi sinh vật gây hại không vượt quá ngưỡng cho phép của tổ chức Y tế thế giới và Việt Nam.    

2. Các nguyên nhân gây ô nhiễm rau trồng

2.1. Ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật

- Khi phun thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ dại... thuốc sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt lá, quả, thân cây, mặt đất, mặt nước và một lớp chất lắng gọi là dư lượng ban đầu của thuốc. Hiện nay ở Việt Nam chủng loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ, thuốc diệt chuột và thuốc kích thích sinh trưởng sử dụng với khối lượng ngày càng tăng.

- Do thói quen sợ rủi ro, ít hiểu biết về mức độ độc hại của hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV) nên nông dân chỉ sử dụng một số loại thuốc quen thuộc hoặc sử dụng những loại thuốc có độc tố cao đã bị cấm sử dụng như Monitor, Wofatox...

- Khoảng thời gian cách ly giữa lần phun thuốc cuối cùng tới lúc thu hoạch không được tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là các loại rau thu hoạch liên tục như dưa chuột, cà chua, đậu côve, mướp đắng....

- Nhiều vùng rau tập trung chuyên canh ven thành phố do hệ số sử dụng ruộng đất cao, nhiều vụ gối nhau nên khó tránh khỏi việc sử dụng thuốc thường xuyên. Trung bình một chu kì trồng cải bắp, người nông dân phải phun từ 7- 10 lần, đậu đũa 10 – 15 lần…do đó kết quả phân tích dư lượng thuốc trừ sâu nhiều mẫu rau vượt ngưỡng cho phép. 

Ngoài ra, nhiều nông dân còn sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu độ độc cao (nhóm I, II) để bảo quản hạt giống...

2.2. Ô nhiễm do hàm lượng Nitrat (NO3) trong rau quá cao

Nitrat vào cơ thể ở mức độ bình thường không gây độc, chỉ khi hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép mới gây nguy hiểm. Trong hệ thống tiêu hoá nitrat (NO3) bị khủ thành nitrit (NO2), nitrit ở mức độ cao sẽ làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến giáp, gây đột biến và phát triển các khối u.

Hàm lượng NO3 vượt ngưỡng là triệu chứng nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nên các nước nhập khẩu rau tươi đều kiểm tra hàm lượng nitrat trước nhập khẩu sản phẩm. Hàm lượng Nitrat phụ thuộc vào từng loại rau, ví dụ: Măng tây, không được quá 50mg/kg nhưng cải củ cho phép tới 3.600mg/kg (theo Mỹ).

Nguyên nhân làm dư lượng NO3 tích lũy cao trong các sản phẩm rau:

- Do bón phân, nhất là phân đạm. Khi tăng lượng đạm bón sẽ dẫn đến tăng tích lũy NO3 trong rau. Điều đáng chú ý ở đây là nếu bón dưới mức 160 kg N/ha đối với bắp cải và dưới 80kg N/ha đối với cải xanh thì lượng NO3 trong cải bắp dưới 430mg/kg tươi (mức cho phép 500 mg/kg). Như vậy người sản xuất chỉ cần giảm một lượng đạm nhất định thì có khả năng khống chế được lượng NO3 trong rau. 

- Thời gian cách ly từ lần bón cuối đến lúc thu hoạch cũng ảnh hưởng tới dư lượng NO3 trong rau. Lượng NO3 có xu hướng giảm khi thời gian bón thúc lần cuối càng xa ngày thu hoạch.

- Phân lân có ảnh hưởng nhất định tới tích lũy nitrat nếu bón phân đạm nhưng không bón lân đã gây tích lũy NO3 cao trong cây. Hàm lượng NO3 trong cây bón phân đạm nhưng không bón phân lân cao gấp 2- 6 lần so với cây vừa bón đạm vừa bón lân.

- Đối với kali làm tăng quá trình khử NO3 trong cây. Bón thêm phân kali sẽ làm giảm tích lũy NO3 trong rau rõ rệt so với chỉ bón đạm.

- Thời tiết có tác động nhất định tới tích lũy NO3. Vào thời kì thu hoạch, khi gặp thời tiết lạnh, âm u, lượng NO3 tích lũy trong cây sẽ cao hơn hẳn. 

2.3. Ô nhiễm do nhiễm kim loại nặng (KLN) : Một số kim loại nặng dưới đây tồn dư trong rau xanh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người ở các mức độ khác nhau :

- Độc tính của chì (Pb): đây là một nguyên tố rất độc hại, khi trong cơ thể người có Pb quá ngưỡng cho phép sẽ gây độc. Trẻ em khi nhiễm độc chì có thể chậm lớn, trí tuệ kém phát triển. Đối với người lớn thì chì gây tăng huyết áp, suy tim, chức năng của thận bị rối loạn.

- Độc tính của thủy ngân (Hg): các hợp chất của thủy ngân chứa gốc methyl (CH3) rất bền. Sau khi nhiễm bệnh, người bệnh dễ bị kích thích, cáu gắt, xúc động và rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, chân tay run. Thủy ngân làm gẫy nhiễm sắc thể và ngăn cản sự phân chia tế bào. Do vậy gây hiện tượng vô sinh ở nam giới khi ngộ độc thủy ngân lâu dài.

- Độc tính của Cadimi (Cd): gây nên rối loạn trao đổi khoáng chất, rối loạn trao đổi gluxit, rối loạn sinh tổng hợp protein. 

Trong công nghiệp thực phẩm, Cd được coi là nguyên tố nguy hiểm nhất, khi hàm lượng Cd lớn hơn 15 ppm thì thực phẩm được coi là nhiễm độc. Các hợp chất của Cd trong nước, trong không khí, dung dịch và trong thức ăn đều gây độc.

Nguồn nước tưới ảnh hưởng rất lớn đến hàm lượng KLN trong rau. Mẫu rau chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải từ 1- 10 lần và cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Các mẫu càng xa nguồn nước thải thì hàm lượng KLN càng thấp. 

Có thể hạn chế sự tích lũy KLN vào sản phẩm nông nghiệp bằng cách bổ sung thêm vôi để nâng cao pH đất.

2.4. Ô nhiễm do vi sinh vật

E. coli là trực khuẩn đường ruột, đa số sống hoại sinh ở ruột già và có khả năng gây bệnh kiết lỵ cho người và động vật. 

Salmonella là vi khuẩn sống hoại sinh trong hệ tiêu hóa. 

Các vi khuẩn này lan truyền ra ngoài môi trường qua hệ tiêu hóa. Canh tác không hợp lý, đặc biệt là tập quán bón và tưới phân tươi cho rau thì sản phẩm này không chỉ nhiễm E.Coli, Salmonella và cả trứng giun với các mức độ khác nhau.

IV. CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG KHI QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRONG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN THEO TIÊU CHUẨN VietGAP

     1. Thường xuyên thăm đồng: Tăng cường quan sát đồng ruộng, tìm hiểu những điều không bình thường xảy ra trong khu vực ruộng rau của nhà mình.

2. Có hiểu biết nhất định về tình hình sâu bệnh hại

- Thông qua thực tế và kinh nghiệm sản xuất bà con cần tích luỹ cho mình một vốn hiểu biết nhất định về sâu bệnh hại đó là quan sát xác định đúng loại sâu bệnh hại, các thời kỳ phát triển của sâu bệnh hại và từng bước nắm bắt được quy luật phát triển của chúng theo mùa vụ, cây trồng và những biến động của thời tiết ảnh hưởng đến sâu bệnh hại. Từ đó định ra được phương pháp phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả.

3. Đối với bệnh hại dùng phương pháp phòng là chính

- Tác nhân gây lên bệnh trên cây rau là những vi sinh vật nhỏ bé, khó hoặc không quan sát được bằng mắt thường và sự xâm nhiễm, truyền lan bị ảnh hưởng trực tiếp bởi điều kiện thời tiết, tình hình canh tác (giống, phân bón, làm đất, kỹ thuật trồng trọt, thu hái sản phẩm...), một số loại bệnh hại không khắc phục được bằng sử dụng thuốc BVTV. Do vậy bà con nông dân cần có hiểu biết của mình về sâu bệnh hại và cây trồng để chủ động trong các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh một cách thấp nhất nhằm nâng cao hiệu quả trồng rau.

4. Nắm chắc kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV và đảm bảo an toàn trong sản phẩm rau quả (Theo nguyên tắc 4 đúng)

4.1. Đúng thuốc : Căn cứ vào đối tượng sâu bệnh hại và cây trồng cần chọn đúng loại thuốc và dạng thuốc nhằm đạt được hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao an toàn cho cây trồng, các loài thiên địch có ích, bảo vệ môi trường, sức khỏe con     người. Thay đổi loại thuốc nhằm hạn chế tính kháng thuốc của dịch hại. 

4.2. Đúng lúc :  Dùng thuốc khi sinh vật hại còn phân bố ở diện hẹp và ở các pha phát triển dễ mẫn cảm với thuốc vừa đạt hiệu quả diệt trừ cao lại giảm được chi phí. Nhiều loại thuốc trừ bệnh có tác dụng phòng nên chỉ đạt hiệu qua cao khi phun thuốc vào lúc bệnh chớm phát. Nên phun thuốc vào lúc trời ấm (mùa đông) và trời mát (mùa hè), nếu xét thấy cần thiết phải phun thuốc cho cây trồng ở thời kỳ nở hoa thì nên tiến hành vào buổi chiều sau thời gian hoa nở.

4.3. Đúng liều lượng và nồng độ.: Liều lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng cho đơn vị diện tích thường được tính theo gam hoặc kg hoạt chất (a.i) cho 1 ha và từ đó tính ra lượng chế phẩm. Tuỳ lượng thuốc dùng cho ha tính ra cho 1 sào Bắc Bộ (360 m2) hoặc Trung Bộ (500 m2) hay 1 công (1000 m2) bằng cách chia chúng cho 10.000 m2 và nhân với 360 m2 hoặc 500 m2 hoặc 1000 m2.

Nồng độ nước thuốc được pha chế phụ thuộc vào lượng chế phẩm và lượng nước thuốc cần dùng cho đơn vị diện tích. Pha thuốc với nước phải tạo được 1 dung dịch nước, thuốc đồng nhất. Nếu pha thuốc trực tiếp vào bình bơm thì cân hoặc đong thuốc cho vào bình bơm đã có sẵn 1 ít nước. Khuấy cho thuốc phân tán hết với nước mới đổ nốt số nước còn lại vào (đổ qua phễu lọc), khuấy đều rồi đem phun.

4.4. Phun thuốc đúng kỹ thuật.: Phun thuốc cho cây trồng phải đảm bảo đúng lượng nước thuốc được chỉ định cho đơn vị diện tích. 

*Dùng thuốc hỗn hợp : Dùng thuốc hỗn hợp có thể phun 1 lần kết hợp trừ được nhiều loại sinh vật hại, trong đó có một số hỗn hợp hiệu lực diệt trừ sinh vật hại tăng hơn so với dùng đơn  từng loại thuốc. Hỗn hợp 2 hay nhiều loại thuốc nồng độ của mỗi loại thuốc được giữ nguyên như khi dùng đơn trong trường hợp hỗn hợp với mục đích phun kết hợp trừ nhiều loại sâu bệnh hoặc trừ bệnh, trừ sâu.



    




TÀI LIỆU TẬP HUẤN SẢN XUẤT VÀ GIÁM SÁT RAU AN TOÀN THEO TIÊU CHUẨN VietGAP